"Đòi tiền, dọa cắt điện" nước chủ chốt BRICS?
Câu chuyện này được khởi đầu từ bài viết được đăng tải trên Sohu với tiêu đề "Vị tổng thống nước này nói không trả nợ cho nước ta (Trung Quốc), ta sẽ trực tiếp cắt điện hạt nhân" của cây viết với bút danh "Fandou huayuan tu tu".
Trong bài viết này, cây viết Trung Quốc lưu ý rằng "Trung Quốc đã giúp Brazil xây dựng nhà máy điện hạt nhân và giải quyết vấn đề điện năng của họ" và rằng "không yêu cầu Brazil trả nợ ngay mà hào phóng thông báo miễn hóa đơn tiền điện cho họ trong năm đầu tiên, cho phép họ sử dụng miễn phí trong một năm".
Ở phần tiếp theo, "Fandou huayuan tu tu" lưu ý: "Tổng thống nước này... không chịu trả nợ và muốn tiếp tục sử dụng miễn phí các nhà máy điện hạt nhân của chúng ta (Trung Quốc) để sản xuất điện cho mình" đồng thời nhanh chóng kết luận:
"Sau khi sự việc này được truyền thông đưa tin đã gây náo động cả nước (Trung Quốc), nhiều cư dân mạng cho rằng nên cắt đứt hoàn toàn hợp tác với Brazil, thu tiền điện trước, sau đó tháo dỡ hệ thống cung cấp điện.
Nếu việc tháo dỡ nhà máy điện là quá lãng phí thì hãy tăng giá đáng kể để họ (Brazil) chi nhiều tiền hơn".
Brazil là 1 trong 5 thành viên của khối các nền kinh tế mới nổi lớn BRICS. Cần lưu ý rằng BRICS được ghép từ B (Brazil), R (Russia/Nga), I (India/Ấn Độ), C (China/Trung Quốc) và S (South Africa/Nam Phi).
Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân cho Brazil vào lúc nào?
Theo dữ liệu mới nhất về năng lượng hạt nhân của Brazil được đăng tải trên trang world-nuclear.org trực thuộc tổ chức World Nuclear Association (Hiệp hội Hạt nhân Thế giới) có trụ sở tại Anh, nước này hiện đang vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân tạo ra khoảng 3% điện năng.
Lò phản ứng hạt nhân thương mại đầu tiên của nước này có tên Angra 1 được người Mỹ xây dựng vào năm 1971 và bắt đầu hoạt động năm 1982. Lò thứ 2 có tên Angra 2 do người Tây Đức (và sau này là nước Đức thống nhất) xây dựng từ năm 1976 và hoạt động từ năm 2000.
Có thể nói 2 lò phản ứng nói trên không liên quan gì tới Trung Quốc. Vấn đề có thể nằm ở dự án đang xây dựng-Angra 3. Angra 3 ban đầu nằm trong một kế hoạch hợp tác chung với người Đức về 8 lò phản ứng bao gồm người tiền nhiệm Angra 2.
Các giai đoạn đầu tiên của dự án đã được thực hiện vào năm 1984 nhưng bị đình chỉ vào năm 1986 trước khi bắt tay vào xây dựng.
Dự án khi đó trị giá 1,25 tỷ euro (1,7 tỷ USD) đã được khởi động lại vào năm 2010 nhưng một lần nữa bị đình chỉ vào năm 2015 do một cuộc điều tra tham nhũng và các vấn đề về kinh phí.
Tại thời điểm này của dự án, bên đối tác của Brazil là Areva (nay là Framatome), một liên doanh giữa người Pháp và người Nhật.
Người Trung Quốc xuất hiện trong Angra 3
Tháng 3/2017, chính phủ Brazil thông báo rằng họ có kế hoạch chào thầu Angra 3 vào năm 2018. Thứ trưởng năng lượng nước này khi đó cho biết người Nga và Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm.
Vào tháng 7/2017, CNNC (Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc), Rosatom (Nga), KEPCO (Hàn Quốc) và liên danh Mitsubishi-Areva (Nhật Bản và Pháp) được cho là đang quan tâm tới dự án.
Tháng 9 cùng năm, Brazil đã ký một thỏa thuận với CNNC để thúc đẩy việc xây dựng Angra 3 và các dự án trong tương lai, tiếp sau đó là việc ký kết các thỏa thuận tương tự với Rosatom vào tháng 11/2017 và EDF (Anh) vào tháng 6/2018.
Tháng 11/2018, có thông tin cho rằng Eletronuclear đang đàm phán với CNNC và Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước Trung Quốc (SPIC), KEPCO, Rosatom và liên danh EDF và Mitsubishi Heavy Industries để hoàn thành tổ máy với tổng trị giá 3,84 tỷ USD.
Tháng 10/2019, Brazil đã ra thông báo rằng họ đã đưa CNNC, Rosatom và EDF vào danh sách rút gọn làm nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên tháng 7/2022 - bất chấp các đối tác quốc tế có mặt trong cuộc đấu thầu - Brazil đã ra thông báo về việc một liên danh lớn của nước này được dẫn đầu bởi tập đoàn Agis Consortium đã trúng thầu.
Hợp đồng trị giá 3,84 tỷ USD đã được ký vào tháng 2/2022. Có thể nói tới thời điểm này vai trò của các tổ chức Trung Quốc trong Angra 3 chỉ là các bên tham gia tư vấn, đấu thầu (và bị trượt thầu).
Brazil nợ tiền ai?
Cũng theo dữ liệu được nuclear.org công bố - vào tháng 12/2010, BNDES (Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil) đã phê duyệt tài trợ 3,6 tỷ USD cho Angra 3 chiếm gần 60% chi phí ước tính lúc đó của dự án.
Tháng 12/2012, ngân hàng Caixa (Ngân hàng Tiết kiệm Liên bang) thuộc sở hữu nhà nước Brazil đã đồng ý dự án vay 1,86 tỷ USD để hoàn thành tổ máy và tổng chi phí ước tính khi đó là 7,59 tỷ USD.
Lẽ dĩ nhiên đây là những chi phí trước lần bị đình chỉ thứ 2 nhưng điều này cho thấy có thể đa phần số tiền đã, đang và sẽ được chi cho dự án là tiền của các ngân hàng Brazil.
Và cần lưu ý rằng không có bất kỳ ngân hàng Trung Quốc nào được nuclear.org đề cập.
Kết luận
Để kết luận về bài viết mà "Fandou huayuan tu tu" đăng tải trên Sohu, chúng tôi xin dẫn lại 2 bình luận của các độc giả Trung Quốc ngay bên dưới bài viết:
"Bài viết nói về thời điểm nào vậy. Độc giả bình thường cũng có thể nhận ra thật giả".
"Xin hãy tha thứ cho sự vô tri của người viết".
Được biết Angra 3 đã một lần nữa bị dừng lại vào tháng 3/2023 theo lệnh của chính quyền Thành phố Angra dos Reis. Thị trưởng thành phố cho biết ông cho rằng dự án đang được thực hiện không đúng theo những gì mà thành phố đã phê duyệt.
Cụ thể chủ đầu tư được cho là đã không trả số tiền bồi thường môi trường khoảng 53 triệu USD. Vào tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư đã ra thông báo rằng họ cam kết sẽ đảo ngược lệnh cấm thông qua đối thoại mang tính xây dựng với Tòa thị chính Angra dos Reis.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận