Thêm nhân lực, thiết bị rút ngắn tiến độ dự án
Trung tuần tháng 7/2024, tranh thủ khoảng thời gian thời tiết thuận lợi, gần 1.700 kỹ sư, công nhân, 700 thiết bị các loại trên đại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ vẫn miệt mài từ sáng sớm đến tối muộn để nỗ lực thi công rút ngắn tiến độ 3 tháng.
Đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 25.500 tỷ đồng, đạt khoảng 40,7% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng). Ảnh: Tạ Hải.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, với 70 mũi thi công đang được tổ chức triển khai, sản lượng thực hiện của dự án đến nay đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng. Sản lượng giải ngân hàng tháng bình quân đạt khoảng 230 tỷ đồng/tháng, gấp 1,4 lần so với kế hoạch.
Dự kiến, đến hết năm 2024, dự án sẽ giải ngân khoảng 2.375 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch vốn đăng ký. Sản lượng thi công toàn dự án sẽ đạt khoảng 65 - 70% giá trị hợp đồng.
Một năm rưỡi kể từ ngày khởi công, dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần: Hậu Giang - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau) vẫn chưa thể cởi bỏ "nút thắt" nguồn vật liệu đắp nền đường. Đến nay, khối lượng cát đưa về công trường hai dự án đạt 5.660.000m3, đáp ứng gần 79% nhu cầu (7.200.000m3). Công suất khai thác thực tế chỉ đạt khoảng 22.000m3/ngày, trong khi nhu cầu 57.000m3/ngày.
Theo ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, để đảm bảo tiến độ giải ngân, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu rốt ráo huy động thêm nhân lực, thiết bị để tăng tốc các hạng mục khác. Với loạt giải pháp linh hoạt, hiện sản lượng thi công dự án là 6.432 tỷ đồng, đạt hơn 34% giá trị hợp đồng.
Theo kế hoạch năm 2024, dự án phải giải ngân gần 5.000 tỷ đồng. Đến nay, giải ngân đạt 2.416 tỷ đồng, đạt khoảng 48% kế hoạch.
Cao tốc Bắc - Nam dẫn đầu tỷ lệ giải ngân
Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 25.500 tỷ đồng, đạt khoảng 40,7% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước đạt khoảng 36%).
Xét theo nhóm các dự án, nhóm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đang đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Nhóm các dự án ODA có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ GTVT, đạt 30%.
Một số chủ đầu tư giải ngân tốt như Ban QLDA 6 (56%), Ban QLDA Hàng Hải (55%), Cục Đường bộ VN (54%), Ban QLDA Thăng Long (49%). Các chủ đầu tư khác giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ, đạt khoảng 22%.
Nhận diện thách thức trong công tác giải ngân còn lại, theo lãnh đạo Vụ KH-ĐT, dù các địa phương đã quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh tiến GPMB các dự án. Song, tại nhiều nơi, tiến độ GPMB chậm hơn rất nhiều so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhu cầu nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án rất lớn. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2025, các dự án cao tốc cần khoảng 54.000.000m3 cát, chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các địa phương đến nay nguồn cung cấp vật liệu cát cho các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu (đặc biệt sau khi chủ trương cho nhà thầu khai thác cát biển được thông qua ngày 29/6/2024). Tuy nhiên, công suất khai thác tại các mỏ đã được cấp chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Gỡ nút thắt mặt bằng
Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương hoàn thành khối lượng GPMB còn lại trước ngày 30/6/2024.
Đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 25.500 tỷ đồng, đạt khoảng 40,7% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn). Ảnh: P.V.
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 7/2024, công tác di dời đường điện cao thế vẫn còn chậm, đặc biệt là ở một số địa phương như Hà Tĩnh còn 13/15 vị trí; Quảng Trị còn 2/3 vị trí; Phú Yên còn 66/82 vị trí; Khánh Hòa còn 19/20 vị trí; Hậu Giang còn 6/7 vị trí.
Vướng mắc mặt bằng cũng đang là nguyên nhân cản tiến độ thi công hàng loạt các dự án khác có thời gian hoàn thành trong năm 2024 như: Dự án QL6 tuyến tránh TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Dự án tuyến tránh TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; Dự án QL12A Quảng Bình; Dự án QL4B đoạn Km 18 - Km 80, tỉnh Lạng Sơn; Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên…
"Một trong những giải pháp ưu tiên trước mắt là chủ đầu tư và nhà thầu cần rốt ráo hơn nữa trong phối hợp với chính quyền địa phương, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng. Khơi thông được mặt bằng song song với tháo gỡ vật liệu, dự án mới có thể tăng tốc, tạo cơ sở giải ngân", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng chia sẻ.
Về phía cơ quan tham mưu, lãnh đạo Vụ KH-ĐT cho biết, nhằm giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2024, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Bộ yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ.
"Công tác theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư/Ban QLDA, các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân cũng được Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo", lãnh đạo Vụ KH-ĐT nói.
Theo Vụ KH-ĐT, tính đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết toàn bộ 62.600 tỷ đồng kế hoạch đầu tư năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 56.666 tỷ đồng từ kế hoạch giao đầu năm; 2.571 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2021 và 3.363 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2023).
Để bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư chi tiết vốn ngân sách Trung ương năm 2024 bốn lần với giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận