Ngày 28/4, Công ty TNHH Cảng quốc tế Namas An Thới đã phát đi thông cáo báo chí giải thích về việc áp dụng giá cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ và việc hàng chục nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp này đánh nhau với người dân địa phương.
Khu vực cảng biển quốc tế An Thới, nhiều tàu ca nô đưa khách tham quan biển
Theo đó, Công ty TNHH Cảng quốc tế Namas An Thới (gọi tắt là Namas) được ủy quyền quản lý, khai thác cảng từ pháp nhân trúng đấu giá là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Namaste và Công ty CP Cảng Sài Gòn.
Phía Namas giải thích, cảng biển An Thới, TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã dừng hoạt động khai thác chính thức, không có thu phí trong cảng gần 3 năm nay. Lý do là chờ Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đấu giá tìm nhà thầu mới.
Sau khi có kết quả trúng đấu giá (quyền khai thác 41 năm với mức giá gần 952 tỷ đồng), Cục Hàng hải Việt Nam đã bàn giao quyền khai thác cảng từ ngày 19/4. Trên cơ sở đó, Namas đã thực hiện tiếp nhận và chuẩn bị hoạt động khai thác vận hành theo hợp đồng.
Chiều 26/4, khi công ty tiếp quản mặt bằng theo hợp đồng thuê với Cục Hàng hải Việt Nam, lực lượng bảo vệ của Công ty Bảo vệ Lucky (đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ cho Namas) làm nhiệm vụ bảo vệ tại cảng đã xảy ra mâu thuẫn với một số hộ kinh doanh tự phát tại khu vực cảng dẫn đến xô xát, đánh nhau làm 3 người bị thương.
Khi vụ việc xảy ra, phía Namas đã nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng và kịp thời thăm hỏi người bị thương, hiện cả 3 người đã ổn định sức khỏe. Đồng thời, công ty tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan công an địa phương điều tra vụ việc.
Một số bảo vệ và người dân xô xát chiều tối 26/4 (Ảnh cắt từ clip)
Về thông tin công ty áp giá dịch vụ tại cảng tăng cao so với trước, Namas khẳng định ở đây có sự hiểu nhầm. Trên thực tế, cảng biển An Thới đã được Cục Hàng hải VN thông báo chính thức dừng hoạt động từ năm 2021 đến nay nên không có việc thu phí, bà con tiểu thương hoạt động tự phát gần 3 năm qua không mất phí.
Mức giá mà Namas hiện tại dự kiến 60 triệu đồng/tháng là cho khu mặt bằng lớn (gồm kho rộng và thêm mặt bằng mặt tiền biển tại cảng dài hơn 70m) mà công ty đề xuất mời gọi nhà đầu tư để hợp tác cải tạo nâng cấp theo định hướng cảng biển du lịch dân sinh. Theo đó, nhà đầu tư thuê sẽ cải tạo và chia sẻ không gian, có quyền hợp tác cho các tiểu thương thuê lại…
Trước đó, do không đồng ý với các điều khoản của bên khai thác, hàng chục hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ tại cảng An Thới đã kéo tới nhà điều hành để phản đối và xảy ra xô xát với lực lượng bảo vệ. Hậu quả của cuộc xô xát làm nhiều người bị thương, trong đó có 3 người được chuyển đến Trung tâm y tế TP Phú Quốc cấp cứu.
Theo nhiều người dân tại cảng An Thới phản ánh, những hộ kinh doanh tại cảng trước đây được thuê với giá 500.000 đồng/tháng. Nhưng khi liên danh 2 công ty nói trên tiếp quản đã nâng giá cho thuê lên tới 60 triệu đồng/tháng và phải đóng trước 3 tháng là 180 triệu đồng.
Ngoài ra, bên khai thác cảng quy định xuồng đưa rước khách tại cảng phải nộp 2,5 triệu đồng/tháng; ca nô từ 5-7 triệu đồng/tháng; khách du lịch xuống cảng 35.000 đồng/lượt (trước đây không thu phí). Thậm chí, khi ra vào khu vực cảng, người dân địa phương đều phải nộp phí...
Liên quan tới vụ xô xát chiều tối 26/4, Công an TP Phú Quốc đã triệu tập 17 người (chủ yếu là phía công ty bảo vệ) để lấy lời khai, khẩn trương xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện tình hình trật tự tại cảng đã cơ bản ổn định. Phía Namas cũng đã khẳng định sẽ làm việc với các tiểu thương, có chính sách hỗ trợ để hai bên hài hòa lợi ích, cùng khai thác và phát triển khu cảng.
Được biết, Cảng An Thới được xem là cảng biển tổng hợp lớn nhất tại Phú Quốc do Nhà nước đầu tư tổng kinh phí khoảng 128 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện hạ tầng thêm khoảng 158 tỷ đồng nữa, dự án hoàn thành năm 2012 với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm.
Đây là cảng đầu mối và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000DWT và khu bến chuyển tải (bến phao) cho tàu 30.000 DWT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận