Chiều 4/9, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có buổi làm việc cùng Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM, gọi tắt là Công ty Cửu Long) về việc thông qua phương án hướng tuyến các điểm khống chế, tĩnh không thông thuyền, tĩnh không đường chui của dự án đầu tư xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.
Theo Công ty Cửu Long, dự án Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ - TTg ngày 1/3/2016 và là dự án Bộ GTVT xác định là ưu tiên đầu tư của ngành.
Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm kết nối trung tâm TP Cần Thơ đi qua các tỉnh, thành trong khu vực, kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1, dự án kết nối khu vực Trung tâm ĐBSCL…
Dự án do Công ty Cửu Long là đơn vị thực hiện quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư. Đơn vị tư vấn thực hiện nghiên cứu lập dự án là Công ty Jinwoo Engineering Korea và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Công trình 625.
Đường cao tốc này sẽ có điểm đầu TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài hơn 150km, đi qua 4 tỉnh: An Giang (gần 60km), Cần Thơ (gần 50km), Hậu Giang (hơn 20km) và Sóc Trăng (gần 30km), tổng vốn đầu tư dự kiến gần 30.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Trên tuyến có khoảng 130 cầu; 50 vị trí giao cắt gồm 34 vị trí giao cắt trực thông và 16 vị trí giao cắt liên thông, vận tốc thiết kế từ 100 - 120km/h. Trong kế hoạch phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường có vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng nền đường 17m; giai đoạn 2 hoàn chỉnh theo quy hoạch đường có vận tốc thiết kế 100 - 120km/h, chiều rộng nền đường 24,75m.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp từ một số địa phương tuyến cao tốc đi, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long cho biết, sẽ ghi nhận và điều chỉnh hướng tuyến dự án cho phù hợp thực tế, nhằm hạn chế những phát sinh sau này. Đơn vị đề nghị, UBND TP Cần Thơ ủng hộ nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh thành trong vùng dự án đi qua nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung.
Chủ trì buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ hoan nghênh và ủng hộ dự án bởi tuyến cao tốc này khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.
Theo Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, hướng tuyến của dự án cơ bản là phù hợp với quy hoạch chung của TP và quy hoạch phát triển của Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, nhà tư vấn cần lưu ý, cập nhật lại quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa và quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn của địa phương để có điều chỉnh phù hợp với định hướng của TP.
Cạnh đó, đơn vị tư vấn nghiên cứu sao cho tuyến cao tốc này kết nối một số điểm với QL91 và Bốn Tổng Một Ngàn nhằm giảm tải chi phí, thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho tuyến QL91.
Đối với các điểm khống chế, tĩnh không thông thuyền, tĩnh không đường chui của dự án đi qua địa bàn TP Cần Thơ, Giám đốc Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện và các Sở ban ngành có liên quan nghiên cứu rà soát, có văn bản báo cáo về Sở để có báo cáo về UBND TP. Sau đó sẽ có văn bản chính thức làm cơ sở cho đơn vị tư vấn điều chỉnh thông số cho phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận