Đi đâu cũng nghe chuyện hiến đất làm đường
Hai năm nay cuộc sống của bà con dân tộc Xê Đăng làng Đăk Manh II, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô đã đổi thay nhờ con đường bê tông mới. Có đường, việc vận chuyển nông sản từ nương rẫy về nhà, trẻ đến trường học tập thuận lợi hơn.
Trưởng thôn A Xuất, vui vẻ khoe: “Xóm mới có 10 hộ dân thì cả 10 hộ đều hiến đất làm đường. Trước đây, đoạn đường này lầy lội, đi lại khó khăn. Để vận chuyển nông sản, phân bón..., bà con phải đi vòng xa gấp đôi”. Theo Trưởng thôn A Xuất, tháng 3 vừa qua con đường hoàn thành và đưa vào sử dụng sau hai tháng xây dựng. Để mở đường, các hộ dân tự nguyện hiến đất, chặt bỏ những cây có giá trị kinh tế cao. Do tự nguyện hiến nhiều diện tích, 4 hộ dân đã được các cấp khen thưởng. Riêng hộ A Nhoi, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
“Khi được triệu tập họp thôn, biết xã có chủ trương làm đường bê tông, mình nhất trí ngay. Dù phải chặt bỏ cao su, cà phê tiếc lắm, nhưng để bà con được đi lại thuận lợi, thiệt thòi một chút không sao...”. ông A Nhoi cho biết
Giao thông nông thôn được bê tông hóa "nâng bước chân" cho trẻ thơ vùng sâu tỉnh Kon Tum được đến trường
Theo ông A Nhoi, cao su đã thu hoạch gần 10 năm nay, còn cà phê đã 3 năm thu hoạch. Cũng giống ông A Nhoi, anh A Hit (36 tuổi) đã chặt bỏ một số cây cà phê và mít, chuối để hiến gần 100m2 đất để làm đường. Trò chuyện với tôi, A Hít chia sẻ: “Nhà mình có 5 người con, 3 đứa lớn hơn đã đi học. Biết Nhà nước có chủ trương làm đường bê tông, mình đồng ý hiến đất làm đường ngay...”.
Điển hình sáng nhất về phong trào làm đường giao thông nông thôn không thể không nói đến xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy. Đây là xã đầu tiên từ vùng III (xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn) được UBND tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn xã có 8 thôn và gần 2.600 khẩu, 95% là người dân tộc thiểu số Xê Đăng, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới đã mang lại nhiều khởi sắc cho người dân nơi đây.
“Đường bê tông làm quanh thôn, nối tới nương rẫy. Người dân thôn Kon Bỉ giờ không lo lắng mỗi khi mưa, lũ về. Giao thông giờ thông suốt. Khi cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới, dân làng chúng tôi là người hưởng lợi trực tiếp. Bắt đầu xây dựng nông thôn mới, người dân kiến nghị làm cầu, đường. Các hộ dân có đường đi qua đều tự nguyện hiến đất, mở rộng đường. Cầu treo Kon Bỉ được xây dựng, nối làng với thị tứ, bao khó khăn của người dân được giải tỏa...”, anh A Lợi, thôn Kon Bỉ chia sẻ.
Đường giao thông liên thôn kết nối các buôn làng "ốc đảo" vùng biên giới với Lào- Campuchia
Trưởng thôn Kon Bỉ, anh A Tú cho biết: “Triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con kiến nghị muốn có đường, có cầu, chính quyền ghi nhận và làm. Dân đi lại thuận lợi hơn, đến mùa thu hoạch, tư thương không ép giá khi mua nông sản của dân. Có nông thôn mới, cuộc sống người dân đã đổi thay từng ngày. Ở Kon Bỉ, khi làm nông thôn mới, dân là chủ thể, là người hưởng lợi trực tiếp từ thành quả xây dựng này nên ai cũng vui”.
Theo thống kê của UBND xã Đăk Tơ Lung, toàn xã có 25 hộ hiến đất, tài sản trên đất cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Gia đình Y Ne ở thôn Kon Mong Tu hiến 280 m2 đất mặt tiền tỉnh lộ 677 để làm đường vào nhà rông thôn Kon Mong Tu, hiến 1.200 m2 đất để làm đường vào khu sản xuất nước Tơ Lung.
Gia đình chị Ngô Thị Tuyết Sương ở thôn 1 xã Tân Lập (có đất ở xã Đăk Tơ Lung) hiến 1.250 m2 đất đã trồng cây ăn trái để làm đường giao thông từ thôn Kon Lung đi Ngã ba thủy điện và 225 m2 đất mặt tiền tỉnh lộ 677 làm đường vào khu sản xuất. Gia đình A Lợi ở Kon Bỉ hiến đất ở 3 mảnh đất khác nhau…. Cùng với đó, hàng nghìn ngày công của bà con tự nguyện tham gia đã giúp chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung: Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, chính quyền xác định người dân là chủ thể, đối tượng hưởng lợi trực tiếp nên tập trung tuyên truyền giúp bà con hiểu. Khi triển khai, tất cả vướng mắc đều được người dân hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, cùng chính quyền tích cực xây dựng nông thôn mới. Tuy mức độ hiến đất khác nhau nhưng dân hiểu nên ai cũng vui, tự nguyện làm.
Giao thông kết nối huyện vùng biên
Trở lại Ia H’Drai (một huyện ốc đảo trên Tây Nguyên) dọc trên tuyến QL14, tôi thực sự ngạc nhiên bởi con đường đang được khoác lên “chiếc áo mới”. Đường liên xã từ huyện mới Ia H,drai về các xã đã được bê tông hóa, người dân không còn phải đi trên con đường nắng bụi, mưa trơn nữa.
Một người dân xã Ia Đal cho biết: “Ở đây chúng em hầu hết là người Thanh Hóa vào từ khoảng 20 năm trở lại đây. Khi mới vào đây đến mấy năm em không về vì mỗi lần về phải đón xe mất một ngày xuống phố, rồi mới mua vé về quê. Mấy năm nay, đường đẹp xe khách giường nằm vào tận đây đón, nên năm nào nghỉ hè em cũng cho cháu về quê. Từ năm ngoái, xe giường nằm không vào đây nữa, nhưng có xe trung chuyển nhà xe vào đón, cũng tiện lắm”.
Xẻ núi, bạt đèo để làm đường giao thông nông thôn nối vùng sâu với Tp.Kon Tum
Hơn 10 năm trước, khi tranh thủ được vốn, Ngành GTVT tiến hành đầu tư trước toàn bộ hệ thống cầu trên dọc toàn QL14C. Sau đó, hàng năm, từ nguồn vốn trung ương, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng gần 40 km (giai đoạn 2- QL14C) qua huyện Ia H’Drai và đoạn từ trung tâm huyện Ngọc Hồi đến xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi). Hai tuyến đường kết nối QL14C với trung tâm tỉnh Kon Tum là ĐT 674, ĐT 675 cũng đã được nâng cấp thành đường bê tông, đường nhưa, tạo cơ hội mới cho phát triển đời sống của người dân huyện mới Ia H’drai.
Tuyến QL14C là tuyến đường huyết mạch đi từ Ngọc Hồi qua Sa Thầy, đến Ia H’Drai rồi về Gia Lai được sửa chữa, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Những chiếc xe tập nập chở hàng hóa và các sản phẩm của người dân, doanh nghiệp làm ra đi trên con đường huyết mạch này. Đây là điều kiện thuận lợi để Ia H’Drai thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
“Con đường được đầu tư hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện cho buôn bán hàng hóa của người dân mà nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện. Một khi giao thông được thông suốt cũng giúp cho huyện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại huyện, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện ngày càng phát triển…”, ông Nguyễn Hữu Thạch - Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai cho biết.
Theo số liệu Sở GTVT Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 5.943 km đường giao thông, trong đó có 3.366 km đường được bê tông hóa và láng nhựa (chiếm 56,4%); so với năm 2015, tổng chiều dài đường giao thông tăng 1.948 km, tỷ lệ đường được bê tông hóa, láng nhựa tăng 1,15 lần (Quốc lộ 444 km, tỉnh lộ 444 km; huyện lộ 625 km; đường đô thị tăng từ 409 km lên 448 km; đường thôn, xã và trục chính nội đồng tăng từ 1.548 km lên 3.466 km; đường chuyên dùng 28 km; đường tuần tra Biên giới 435 km và đường Trường Sơn Đông 52 km).
Hiện nay 100% xã đã có đường bê tông, đường nhựa ô tô về đến tận trung tâm xã. Nhiều tuyến đường liên xã, giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và phục vụ đời sống của Nhân dân. Phong trào "Toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn" được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh; các đường, ngõ nhỏ ở đô thị và các tuyến đường ở những khu vực khó khăn được tập trung xây dựng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận