Hạ tầng

Sức sống mới vùng “ốc đảo” biên giới Kon Tum

22/06/2021, 08:27

Hai tuyến đường kết nối QL14C với trung tâm tỉnh Kon Tum được nâng cấp thành đường bê tông, đường nhựa, tạo cơ hội phát triển đời sống người dân

img

Sau 6 năm thành lập, diện mạo huyện mới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum thay đổi đáng kể, hạ tầng khang trang, rộng mở

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (QL14C) qua Kon Tum, cái nôi của Mặt trận B3, sau năm 1975 chỉ còn lại rừng cây và khí hậu khắc nghiệt. Sau những năm 2000, người dân di cư vào lập nghiệp, vun đắp cho mảnh đất này sinh sôi nảy lộc.

“Ốc đảo” gian khó

Trước năm 1975, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (QL14C) gần như vắng bóng người dân, chỉ có bộ đội hành quân và những chuyến xe chở hàng thâu đêm cho tiền tuyến, chuẩn bị tổng tiến công giải phóng Tây Nguyên.

Anh Phát, nguyên Chánh văn phòng một Sở tỉnh Gia Lai, khi ấy là lính lái xe trên Mặt trận B3 kể rằng, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Ngọc Hồi (Kon Tum) đến Đức Cơ (Gia Lai) ban ngày bình yên nhưng ban đêm luôn tiềm ẩn nguy hiểm bởi thú rừng hay vô tình bị địch phục kích.

Sau giải phóng, xã Mô Rai là xã dọc biên giới, trải dài gần 100km (bao gồm cả huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum sau này) có diện tích tương đương một huyện. Tuy nhiên, mãi đến năm 2013, dân số cũng chỉ có 4,8 nghìn người.

Nơi đây rừng thiêng nước độc, chỉ rải rác vài buôn làng đồng bào từ miền Bắc di cư vào. Từ sau những năm 2000, các dự án trồng rừng cao su trên địa bàn xã phát triển, đồng bào ngoài Bắc, nhất là người dân Thanh Hóa ngày càng di cư vào đây nhiều hơn.

Bác sĩ quân y, Thượng tá Đặng Văn Tình, nguyên Trưởng trạm y tế Binh đoàn 15 tại xã Mô Rai kể: “Ngày ấy Công ty cao su 78 lần lượt đưa người dân Thanh Hóa vào đây làm công nhân cho nông trường cao su.

Sau vài năm làm công nhân, người dân có thu nhập ổn định, họ lần lượt đưa gia đình vào sinh sống. Lúc này, Công ty 78 bắt đầu thành lập các đội sản xuất, quy hoạch định cư cho người dân ở theo từng đội, nâng cao đời sống nhân dân bằng việc xây dựng các trường học, bệnh xá, chợ…”.

Tuy nhiên, những con đường hàng trăm cây số bụi bặm mùa khô, lầy lội mùa mưa, khiến xã Mô Rai gần như bị cô lập như “ốc đảo”.

Đổi thay huyện mới Ia H’Drai

img

Công nhân miệt mài mở những tuyến đường kết nối huyện biên giới Ia H’Drai với TP Kon Tum

Hơn 10 năm trước, khi tranh thủ được vốn, ngành GTVT tiến hành đầu tư trước toàn bộ hệ thống cầu trên dọc QL14C.

Sau đó, hàng năm, từ nguồn vốn Trung ương, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng gần 40km (giai đoạn 2) qua huyện Ia H’Drai và đoạn từ trung tâm huyện Ngọc Hồi đến xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi).

Hai tuyến đường kết nối QL14C với trung tâm tỉnh Kon Tum là ĐT 674, ĐT 675 cũng đã được nâng cấp thành đường bê tông, đường nhựa, tạo cơ hội mới cho phát triển đời sống của người dân huyện mới Ia H’Drai. Trước trung tâm hành chính huyện Ia H’Drai, mỗi buổi sáng sớm có xe tải chở hải sản lên để bỏ mối.

Một người dân ở đây tươi cười nói: “Nơi đây không còn thiếu muối, thiếu rau như cách đây mươi năm trước nữa đâu anh. Từ ngày QL14C làm lại, giao thông kết nối với TP Pleiku rất thuận lợi. Chúng tôi được mua đồ tươi sống không khác gì người thành phố”.

Đường liên xã từ huyện mới Ia H’Drai về các xã đã được bê tông hóa, người dân không còn phải đi trên con đường nắng bụi, mưa trơn. Ông Nguyễn Hữu Thạch, Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai cho biết, khi tách ra từ xã Mô Rai (2015), huyện chỉ có 3 xã, với hơn 10.000 dân.

Địa bàn Ia H’Drai rộng, đường biên dài nên công tác bảo đảm an ninh vùng biên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi QL14C được nâng cấp, người dân các nơi trong và ngoài tỉnh vào đã giúp Ia H’Drai bảo vệ tốt cột mốc, đường biên. Mỗi thôn, làng đều nhận khoán bảo vệ từng km đường biên.

Ngoài ra, chính quyền và các doanh nghiệp đều chủ động sắp xếp, xây dựng các điểm dân cư ở sát vành đai, gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của công nhân với việc bảo vệ an ninh quốc phòng.

Trước năm 2013, địa bàn huyện Ia H’Drai ngày nay vốn thuộc xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Cuối năm 2013, một phần diện tích và dân số của xã Mô Rai được tách ra để thành lập thêm 3 xã: Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi.

Ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 890/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Theo đó, thành lập huyện Ia H’Drai trên cơ sở tách 3 xã: Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi thuộc huyện Sa Thầy.

Sau khi thành lập, huyện Ia H’Drai có 98.013,22ha diện tích tự nhiên và 11.644 người với 3 xã trực thuộc. Huyện lỵ của huyện đặt tại xã Ia Tơi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.