Doanh nghiệp

Đồng hành phá rào cản kinh doanh

12/10/2016, 20:48

“Bên tôi làm về du lịch cũng gặp phải những vướng mắc kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

5

Cán bộ Cục Thuế Hà Nội giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp - Nguồn: Internet

Thời gian gần đây, nhiều du khách nước ngoài đã xin được giấy tờ, thủ tục để vào thăm đảo này, nhưng xuống tới nơi công an xã không đồng ý cho vào, họ cũng không biết tiếng Anh nên không có cách nào để giải quyết. Một tháng sau khi có quyết định đảo Cô Tô được đón khách nước ngoài nhưng du khách vẫn không được xuống đảo vì cán bộ địa phương nói là chưa nghe thấy quyết định đó. Tôi đã in quyết định ra cho họ nhưng họ cũng không nghe.

Đến khi hết mùa du lịch thì họ bảo họ nhận được quyết định rồi, nhưng lúc đó thì làm gì còn khách.

Đây là câu chuyện được Giám đốc PYS Travel Trần Vỹ Sơn kể tại buổi tọa đàm “Ngày doanh nhân bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh” ngày 11/10 tại Hà Nội. Câu chuyện này nhận được sự chia sẻ của nhiều doanh nhân tham gia tọa đàm, bởi trong quá trình hoạt động, họ gặp không ít những rào cản tương tự. Và câu chuyện này cũng là một minh chứng điển hình cho tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, nghĩa là Chính phủ đã rất quyết tâm và quan tâm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, song nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp vẫn tồn tại nhiều rào cản. Đây cũng chính là lý do khiến cho một số tiêu chí xếp hạng mức độ cạnh tranh của Việt Nam vẫn đứng cuối bảng so với các nước ASEAN, như kết quả xếp hạng của VCCI kết hợp với một số tổ chức quốc tế thực hiện mới đây.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 9/2016, cả nước có 81.451 DN đăng ký thành lập mới, tăng 19,2%; 20.510 DN quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong tháng 9/2016 đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 23,8% so với tháng trước. Những con số kể trên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu môi trường kinh doanh không được cải thiện.

Song, nói đi cũng cần nói lại, nghĩa là muốn phá rào cản kinh doanh, các DN cũng không thể “ngồi im” đợi các bộ, ngành, chính quyền các cấp chuyển mình, mà phải cũng chủ động, tích cực thay đổi từ tư duy đến phương thức hoạt động. Thậm chí, có thể kỳ vọng rằng, chính sự chuyển động của cộng đồng DN, doanh nhân sẽ là một cú hích cho sự thay đổi của cơ quan công quyền. Muốn vậy, bản thân mỗi DN cũng phải nâng cao hiệu quả hoạt động, để mang lại những giá trị thực sự cho người tiêu dùng, thị trường cộng đồng. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thực thi đầy đủ trách nhiệm về thuế, môi trường, xã hội... Cùng đó, cần chủ động tham gia, đóng góp tích cực để thay đổi thể chế, chính sách, góp phần tự mình cải thiện môi trường kinh doanh để gặt hái thành công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.