Thông qua 5 nghị quyết quan trọng
Ngày 15/4, HĐND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Kỳ họp thứ 16 - Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Đồng Nai đã biểu quyết thông qua 5 nghị quyết quan trọng của tỉnh. Trong đó bao gồm nghị quyết hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây cầu Phước An...
Theo ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, việc UBND tỉnh Đồng Nai trình HĐND tỉnh thông qua hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phù hợp với các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Quá trình lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch cũng đã nhiều lần lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và nhân dân trên địa bàn Đồng Nai để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Tạo sự liên kết giữa các nội dung của quy hoạch, xử lý nội dung còn chồng chéo giữa các quy hoạch.
Trước đó vào tháng 2/2024, Bộ Kế hoạch và đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Nai) cũng đã tổ chức phiên họp thẩm định và có báo cáo nhất trí thông qua nội dung quy hoạch tỉnh Đồng Nai với điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện. Nhất trí thông qua kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Đồng Nai với điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện. Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến.
Lấy sân bay Long Thành làm trung tâm
Được biết, theo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định Đồng Nai thuộc vùng động lực phía Nam, dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại, là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy sân bay Long Thành làm hạt nhân. Đến năm 2050, Đồng Nai là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.
Quy hoạch cũng định hướng xây dựng 5 trung tâm logistics, một trong số đó là trung tâm phía Bắc sân bay Long Thành.
Theo dự thảo, Đồng Nai đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để Đồng Nai hiện thực hóa mục tiêu 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, 5 trụ cột phát triển được Đồng Nai lựa chọn là phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; phát triển du lịch đô thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; xây dựng sân bay Long Thành là trọng tâm để phát triển thành phố sân bay xứng tầm khu vực; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu Net-Zero năm 2050.
6 yếu tố hỗ trợ để Đồng Nai phát triển các trụ cột trên là cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; Nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Quản trị & điều hành đồng bộ, hiệu quả; Thể chế, chính sách đột phá.
Đồng Nai nằm trong Vùng Đông Nam Bộ, có sự kết nối thuận tiện với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, không gian kinh tế của tỉnh được phân làm 3 vùng với các chức năng phát triển hỗ trợ lẫn nhau.
Cụ thể, vùng phía Tây có chức năng công nghiệp - dịch vụ - đô thị, bao gồm kết nối vành đai 4, Sân Bay Long Thành, quốc lộ 51, Cao tốc TP.HCM - Long Thành, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 1A, đường thủy sông Sài Gòn, đường sắt đô thị.
Vùng phía Đông có chức năng công nghiệp mật độ thấp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch kết nối với vành đai 4, quốc lộ 1A, 56, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường sắt Bắc - Nam. Vùng phía Bắc có chức năng nông nghiệp - du lịch - sinh thái, lấy vành đai đô thị du lịch quanh Hồ Trị An kết nối quốc lộ 20, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ có 23 đô thị, sau năm 2030 sẽ có 29 đô thị. Trong đó, Biên Hòa tiếp tục trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, tập trung phát triển dịch vụ, du lịch kết hợp cảnh quan xung quanh sông Đồng Nai.
Long Thành trở thành đô thị thông minh, là trung tâm thương mại dịch vụ, là đầu mối giao thông kết nối toàn vùng, cùng hình thành các khu logistics, công nghệ cao. Nhơn Trạch trở thành khu đô thị mới, đô thị thông minh, cảng biển và đầu mối giao thông kết nối với vùng. Long Khánh là đô thị đầu mối tiếp nhận, phân phối, chế biến nông sản, hình thành khu công nghiệp chế biến thực phẩm lớn toàn vùng, cùng với đó hình thành làng Đại học là trung tâm đào tạo nhân lực trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận