Cần kết hợp nhiều biện pháp để ngăn chặn xe cơi nới, quá tải - Ảnh: Đức Hoàng |
Đây là gợi ý của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhằm ngăn xe cơi nới thùng, xử lý triệt để xe quá tải tại cuộc họp sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Đường bộ VN diễn ra chiều qua (6/7).
Chỉ còn 7,19% xe quá tải
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật được triển khai tích cực, đúng thời gian quy định. Kế hoạch bảo trì năm 2016 đã có đột phá. Đến hết tháng 6, đã hoàn thành 50% khối lượng kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ đạt 83%, sửa chữa đột xuất đạt 90% kế hoạch năm.
“Đến nay, đã thống kê toàn bộ hệ thống biển báo trên quốc lộ để điều chỉnh, cắm lại biển báo theo Thông tư 91 về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới. Công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay chỉ còn khoảng 7,19% xe quá tải”, ông Cường nói và cho biết, về công tác quản lý vận tải, Tổng cục Đường bộ VN thường xuyên trích xuất, sử dụng dữ liệu thiết bị GSHT để yêu cầu các địa phương chấn chỉnh và xử lý theo quy định. Đến nay, các trường hợp vi phạm tốc độ đã giảm 5,11 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra một số tồn tại như: Sự phối hợp theo dõi giao thông địa phương giữa các đơn vị của tổng cục với các địa phương có hiệu quả chưa cao dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang ATGT còn diễn biến phức tạp.
Nghiên cứu đóng số vào thùng xe
Tại cuộc họp trực tuyến, nhiều ý kiến từ các Cục QLĐB, Sở GTVT đều đồng loạt kiến nghị tính lại chi phí cho công tác bảo trì đường bộ để bảo đảm chất lượng đường sá, bảo vệ được độ bền của công trình đường bộ. Lý giải vì sao chi phí bảo trì đường bộ có sự khác nhau giữa các dự án BOT với các công trình khác, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, các dự án BOT chỉ thoả thuận một lần khi đàm phán hợp đồng và đều nằm trong khung do Bộ GTVT ký với nhà đầu tư.
Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đã đề nghị các Sở GTVT phải quyết liệt hơn trong việc xử lý xe quá tải. Đối với 30 tỉnh chưa xử lý vi phạm thông qua thiết bị GSHT, ông Huyện cho biết, Tổng cục sẽ không dừng lại ở việc nhắc nhở, đôn đốc. |
Về công tác giám sát thu phí, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN và HTQT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, qua kiểm tra của các trạm BOT, hầu hết đều chưa tuân thủ đúng tiêu chuẩn thu phí một dừng để bảo đảm kiểm soát được toàn bộ doanh thu thu phí. Vì vậy, Tổng cục đã yêu cầu trạm thu phí, nhà đầu tư BOT phải hoàn thiện công nghệ, chấp hành đúng các quy định.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tới đây, Bộ GTVT sẽ đề xuất cấp đủ kinh phí bảo trì theo mức cũ (khoảng 50 triệu đồng/km/năm thay vì 25 triệu đồng/km/năm như hiện nay). Tuy nhiên, công tác đấu thầu bảo trì phải bảo đảm lựa chọn được đơn vị có đủ năng lực, kiên quyết loại trừ nhà thầu “tay không bắt giặc”. Khi sửa chữa lớn phải thực hiện như dự án XDCB để bảo đảm được chất lượng công trình. Công tác bảo trì cần tăng cường đưa công nghệ mới vào và có cơ chế khuyến khích các nhà thầu mua công nghệ phục vụ thi công.
Về công tác KSTTX, Thứ trưởng Trường yêu cầu, không để tái phát tình trạng xe quá tải. “Nghiên cứu biện pháp đóng số lên thùng xe tải để ngăn tình trạng vào đăng kiểm một thùng nhưng khi ra đường lại lắp thùng khác để chở quá tải”, Thứ trưởng Trường yêu cầu và cho rằng lĩnh vực vận tải, cần tăng cường hoàn thiện cơ chế, sử dụng có hiệu quả thiết bị GSHT để kiểm soát hoạt động vận tải khách.
Liên quan đến đề án thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Trường yêu cầu, trong quý II/2016 phải hoàn thành 28 trạm trên QL1, QL14 và chỉ sử dụng một công nghệ để bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các trạm. “Trong 6 tháng còn lại, Tổng cục Đường bộ VN phải đẩy nhanh giải ngân nhưng phải chống được thất thoát, tiêu cực và làm tốt 4 lĩnh vực: Bảo trì, bảo dưỡng; đào tạo, sát hạch lái xe, ATGT, quản lý vận tải để góp phần kéo giảm TNGT”, Thứ trưởng yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận