Công ty đóng tàu lớn nhất Trung Quốc Rongsheng cắt giảm lượng lớn nhân công vì khủng hoảng |
Bĩ cực - Xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới
Xưởng đóng tàu Rongsheng tại TP Như Cao, tỉnh Giang Tô ngày nào tấp nập với hơn 30 nghìn nhân công, nay chỉ còn lại những thanh sắt hoen rỉ, nhiều bộ phận tàu chưa hoàn thành. Hãng đóng tàu lớn nhất Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản.
"Thị trường vẫn chưa phục hồi và có dấu hiệu đầu cơ. Khi giá đóng tàu hàng 64 nghìn tấn ở mức 24 triệu USD, rất nhiều đơn đặt hàng ồ ạt; nhưng khi giá tăng thêm 4 triệu, số đơn hàng ngừng hẳn. Nếu thị trường thực sự hồi phục thì đồng thời cả đơn hàng và giá tàu đã cùng tăng”. Ông Lu Jiandong |
Theo Caixin, Rongsheng đối mặt với món nợ khoảng 20,4 tỷ NDT (3,2 tỷ USD), bao gồm: Nợ 14 ngân hàng, ba công ty cho vay và ba công ty cho thuê. Báo cáo tài chính quý III/2014 cho thấy, Rongsheng lỗ ròng 2,4 tỷ NDT (386 triệu USD). Hàng trăm công nhân bám trụ lại sau ba năm tinh giản biên chế cũng phải bỏ việc, không biết bao giờ mới được nhận lương. Một công nhân chia sẻ: “Chúng tôi không được trả lương từ tháng 11 năm ngoái”.
Một nguồn tin thân cận cho biết, tình hình vốn của Rongsheng suy yếu từ tháng 2/2014 khi Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) yêu cầu đặt thêm tài sản thế chấp vì không thanh toán đúng hạn khoản nợ 710 triệu NDT. Rongsheng không còn gì thế chấp nên CDB đòi nợ, kéo theo một loạt các ngân hàng khác truy nợ. Vài tháng sau vụ rắc rối với CDB, chính quyền Giang Tô phải can thiệp để đàm phán lại về nợ quá hạn và khuyến khích Rongsheng tái cơ cấu. Một cuộc họp giữa Rongsheng và Tập đoàn đóng tàu quốc gia (CSSC) được tổ chức với hy vọng CSSC sẽ bảo lãnh cho Rongsheng. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào đạt được. Một nguồn tin cho biết, CSSC không dám hợp tác với Rongsheng vì cơ cấu tài sản và khoản nợ của tập đoàn này quá phức tạp: “Để khởi động lại hoạt động xưởng đóng tàu, Rongsheng cần ít nhất 5 tỷ NDT cộng thêm việc giải quyết khoản nợ khổng lồ. Vì vậy, mua Rongsheng không phải là thỏa thuận tốt”. Sau đó, Rongsheng tiếp tục tìm kiếm thêm các đối tác khác nhưng đều không thành.
Tín hiệu phục hồi
Gần đây, ngành đóng tàu Trung Quốc tuyên bố nhận được rất nhiều đơn hàng và đang khởi sắc trở lại. Một nhân viên Công ty Hantong Ship Heavy Industry Co. Ltd cho biết: “Xưởng đóng tàu của chúng tôi đang cực kỳ bận rộn. Cho tới cuối năm nay, chúng tôi sẽ giao 7 con tàu mới cho khách hàng, vì vậy, công nhân phải làm việc cật lực cả cuối tuần”. Công ty chứng khoán Haitong nhận định, ngành công nghiệp đóng tàu đang dần khôi phục, ước tính giá tàu sẽ tăng.
Tương tự, công ty Sanjin tại Uy Hải, tỉnh Sơn Đông nhận được đơn đóng 12 tàu trị giá 400 triệu USD. Công ty STX có trụ sở tại cảng Đại Liên nhận được đơn hàng 39 tàu trị giá 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát khả năng hồi phục của ngành đóng tàu Trung Quốc vẫn còn đặt ra nhiều dấu hỏi khi các ngân hàng không còn “cả nể” chính quyền địa phương để cho vay, bảo lãnh các hãng đóng tàu như trước.
Trong khi đó, ông Xia Chunhui, chuyên gia Sàn giao dịch vận tải Thượng Hải cho rằng “Có đơn hàng không đồng nghĩa các hãng đóng tàu có thể yên tâm. Liệu các đơn đặt hàng này có đến từ nhu cầu thực tế hay chỉ là mua đầu cơ vì giá tàu đang chạm đáy?” Ông Xia Chun hui nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận