Liên kết để phát triển
Ngày 24/11, Diễn đàn Mekong Connect 2022 đã chính thức khai mạc tại Cần Thơ với chủ đề "Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững".
Quang cảnh diễn đàn
Diễn đàn Mekong Connect 2022 được tổ chức trong 2 ngày 23 - 24/11 với nhiều hoạt động nổi bật. Trong đó, các phiên thảo luận sẽ giúp các tỉnh đẩy mạnh liên kết, hợp tác để cùng phát triển cũng như tìm giải pháp cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại diễn đàn.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, qua diễn đàn sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
"Đặc biệt, sự tham gia của TP.HCM hôm nay, với mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh miền Tây, chia sẻ kinh nghiệm, cam kết, giới thiệu sản phẩm, cùng nhau định hướng phát triển, cùng nhau tìm và đưa ra các giải pháp hữu ích thông qua các phiên thảo luận tại diễn đàn", ông Trường nhấn mạnh.
Tháo điểm nghẽn từ hạ tầng
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cho rằng, ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nền nông nghiệp chậm hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bên cạnh đó là tình trạng di cư, nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…
Thời gian qua, vùng ĐBSCL đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư một số tuyến cao tốc, như Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau; An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng; cầu Đại Ngãi, cầu Mỹ Thuận 2; cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn…
Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như Nghị quyết số 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 78 năm 2022 cũng ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; quyết định 287 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL…
Ông Mẫn tin tưởng, từ những kết quả nổi bật về hạ tầng đã và đang đầu tư nêu trên, cùng với sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương và đặc biệt thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn”.
Từ đó, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần "Cả nước vì ĐBSCL - ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".
Trước đó, trong khuôn khổ hoạt động của diễn đàn đã diễn ra lễ khai mạc phiên chợ khởi nghiệp xanh.
Phiên chợ tập trung các gian hàng từ nhiều địa phương như An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, gian hàng đạt giải Lương Định Của, chương trình Techfest quốc gia; các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp hội Sen Đồng Tháp…
Bên cạnh đó là khu vực gần 100 nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc của hệ sinh thái “Khởi nghiệp nông nghiệp Đổi mới sáng tạo do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) xây dựng gần 10 năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận