Mới đây, những tác phẩm do anh tạo ra được lựa chọn để trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đủ loại kỳ hoa, dị thảo
Từ ngày tác phẩm bonsai tre "Lưỡng long chầu nhật" do anh Luân đặt tên xuất hiện trên truyền hình, nườm nượp khách thập phương đến Hợp tác xã Vườn Chum chiêm ngưỡng.
Phần sân trước ngôi nhà cổ 5 gian, 2 chái có sẵn nhiều cây cảnh và bàn trà được dùng để tiếp đón khách ngự lãm.
Quanh nhà, khu vườn rộng khoảng 20.000m2 có hàng nghìn loại cây cảnh khác nhau tùng, cúc, trúc, mai có cả. Tuy nhiên, tre bonsai vẫn là điểm nhấn.
Nơi đây có khoảng 1.000 gốc kỳ hoa, dị thảo với dáng điệu, tên gọi khác nhau. Như tác phẩm "Phu thê" là hai cây tre ngà gồm một cây to tượng trưng cho chồng, một cây nhỏ tượng trưng cho vợ uốn lượn tạo thành hình trái tim.
Còn tác phẩm "Chim công" có hình chú chim công dựng mào, xòe tán khoe sắc trong sương sớm. Hay tác phẩm "Cơn lốc" được nhiều người chú ý vì ngọn tre xoắn tròn như tâm cơn lốc bắn tán ra xung quanh.
Cũng có những tác phẩm độc đáo, kỳ công chưa được đặt tên như tác phẩm tre dáng trực có củ, bệ, thân tre liên tục vặn xoắn với đường cong mềm mại, phát triển theo phương thẳng đứng, tán đua đều xung quanh tạo thành dáng của cây đại thụ đại lâm mộc. Theo chủ nhân, tác phẩm này là thân nhu, dáng cương, trong cương có nhu.
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Luân cho biết, cây cảnh như si, xanh có thể uốn được dáng theo ý muốn nhưng tre thì không thể.
Tất cả thế kỳ hoa, dị thảo của tre đều do tạo hóa tự nhiên, anh Luân dựa theo đó để tạo tán. Đó là lý do khi chơi tre phải tư duy nhiều cây hơn các cây cảnh khác.
Tre có nhiều loại như tre đuông, tre vảy rồng, tre ngà, tre gai... Với anh Luân, tiêu chí của một cây tre bonsai đẹp phải có củ to, thân kỳ, lá nhỏ, dăm dày và có gai. Thân tre có đốt ngắn, đốt dài, co duỗi linh hoạt. Cây khi xuất vườn phải đủ độ khỏe, ra được 1-2 lượt dăm.
Giá mỗi gốc tre bonsai ở đây dao động từ 500.000 đồng đến 40-50 triệu/cây. Mỗi cây trước khi ủ mầm, tạo dáng đã được định vị một vị trí tương ứng như bày ở bàn trà, phòng khách hay ngoài sân. Khách hàng tìm đến đây đều "hữu xạ tự nhiên hương", hợp duyên thì bán chứ không chèo kéo.
"Được ăn cả, ngã về không"
Không tiết lộ doanh thu, anh Luân cho biết, đang "lấy ngắn nuôi dài", bán được đồng nào là tái đầu tư đồng đó.
Yêu cây cảnh từ nhỏ, khi còn theo bạn đi tìm tổ chim, anh đã nhặt những cây xanh, cây si mọc trên tường về trồng. Tuổi niên thiếu, anh mưu sinh tại Hà Nội, gắn với nghề bán gốm Phù Lãng, Bắc Ninh.
Tham gia các nhóm sinh vật cảnh, ngắm lồng chim được tạo hình rồng phượng từ gốc tre già, anh Luân quyết định về quê lập nghiệp để thỏa đam mê và tận dụng những kinh nghiệm trong chăm sóc cây cảnh.
Không đục gốc tre như người ta vẫn làm lồng chim, Hợp tác xã Vườn Chum dưỡng những gốc tre còn sống, một ý tưởng hoàn toàn mới nhưng đầy chông gai.
Vừa bán gốm, vừa chăm cây, anh Luân bán được đồng nào lại mua phôi tre về dưỡng. Anh nghĩ ra cách đặt tre bonsai vào chum gốm, bình gốm để tạo hình.
Có những bình gốm bị vỡ, lỗi kỹ thuật tưởng như vứt đi, qua sự sáng tạo của anh, lại trở thành những chậu cây bonsai độc đáo.
Có lần, anh còn quyết định được ăn cả, ngã về không khi cắt chiếc chum "Hỏa biến" men da lươn Phù Lãng có giá hơn 10 triệu đồng để đặt gốc tre bonsai vào đó.
Nhưng không phải ai cũng biết những tác phẩm nổi tiếng gần đây là kết quả sau hàng loạt thất bại.
Chỉ vào đống gốc tre khô tiêu tốn cả tỷ đồng ở góc vườn, anh Luân kể khoảng hai năm trước, anh nhập hàng loạt phôi. Khi đó, ưng mắt là anh mua, mỗi ngày 30-50 phôi được gửi đến nhà qua đường bưu điện.
Mang đi giâm bằng đất nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng phôi tre chết hàng loạt. Bao nhiêu vốn liếng chôn dưới đất, anh mới vỡ lẽ đất nhập khẩu đặc khô, trong khi tre là thân thảo, róc nước nhanh. Nếu không biết cách tưới và để hở rễ thì gốc sẽ bị xốp, thối.
Sau này, mỗi lần phôi tre về, anh tỉa sạch rễ, tìm cách làm giảm róc nước rồi trộn cát với xơ dừa làm đất ủ để giữ ẩm, sau đó mới trồng ra đất cho cây phát triển rễ.
Nhưng khó khăn chưa dừng lại. Năm ngoái, anh Luân bỏ hàng trăm triệu đồng để mua phôi gốc, dự tính bán ra dịp cuối năm.
Song tiết trời lạnh sâu khiến lô hàng đổ bể. Và ngay cả khi nhiều kinh nghiệm được rút ra, tỷ lệ tre chết vẫn lên đến 40%. Vườn Chum xanh lá như hôm nay là sự đánh đổi của bao công sức, tiền của.
Nghệ nhân trà và sinh vật cảnh Nguyễn Cao Sơn, người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris (Pháp) năm 2022, chia sẻ, cây tre là hình tượng của quê hương, khi được decor, thu nhỏ vào căn phòng hoặc bàn trà sẽ mang thiên nhiên gần gũi đến với căn nhà hiện tại.
"Vườn Chum phát triển tre bonsai là một hướng đi mới, sáng tạo, có tầm nhìn. Những người trong hợp tác xã đều có cuộc sống thanh tao, tôi cảm được ở họ một tình cảm vô bờ bến với cây tre", nghệ nhân Sơn nói.
Trong tiếng Nhật, bonsai được hình thành từ 2 chữ: "bon" (盆) nghĩa là khay, chậu và "sai" (栽) nghĩa là cây, trồng cây. Còn theo cách gọi Hán - Việt là "Bồn Tài". Cả hai cách gọi đều có nghĩa là "cây nhỏ trồng trong chậu".
Thú chơi cây cảnh là một trong bốn thú vui tao nhã "nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng". Ở Việt Nam, nhiều loại cây thường được tạo bonsai gồm: cây đa cảnh, cây si và sanh, cây hoa giấy, lộc vừng, sung... và mới đây có thêm tre bonsai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận