Các dự án BOT nghìn tỷ không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng những tưởng sẽ khiến CIENCO4 “hụt hơi”, song đến nay, thương hiệu CIENCO4 vẫn trên đà phát triển khiến không ít người tò mò về bí quyết đi trên khoảng trống BOT “ông lớn” này đang thực hiện...
Trước khó khăn của những dự án BOT, CIENCO4 đã nhanh chóng bình hành hoạt động kinh doanh với trụ cột thi công xây lắp hạ tầng giao thông (Ảnh minh họa)
Nỗi buồn BOT
Những ngày cuối năm 2021, chia sẻ với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 thở dài khi gần 4 năm qua đi, bài toán thu hồi vốn của dự án xây dựng tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (CIENCO4 tham gia liên danh đầu tư) vẫn chưa tìm thấy lời giải.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, dự án trên bao gồm hai hợp phần: Đầu tư xây dựng mới 40km QL3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.
“Theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, dự án sẽ đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn tại tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và trên QL3 tại Km 77+922 với thời gian 16 năm 5 tháng.
Thế nhưng, từ ngày 25/1/2018 đến nay, việc thu phí mới được tiến hành ở một trạm.
Trạm thu phí trên QL3 dù nhà đầu tư đã làm phương án miễn giảm phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương và được sự thống nhất của các cấp có thẩm quyền, song đến nay vẫn chưa thể triển khai”, ông Thanh nói và cho biết, lý do trên khiến mức thu phí của dự án hiện mới đạt 10% so với phương án tài chính ban đầu.
Theo lộ trình, từ thời điểm đưa dự án vào khai thác đến hiện tại, tổng số phí thu là khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng thực tế mới chỉ đạt được 104 tỷ đồng.
Trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động… với chi phí gần 4 năm qua đã tiêu tốn gần 500 tỷ đồng.
"Nghĩa là mỗi tháng, nhà đầu tư đang phải bù đắp các khoản chi phí khoảng 18 tỷ đồng. Chưa kể hai năm qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu từ việc thu phí giảm khoảng 30% so với thời điểm bình thường (28 - 30 tỷ/năm)”, ông Thanh nói.
Cùng với BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát mà CIENCO4 tham gia đầu tư cũng đang gặp không ít khó khăn về tài chính do nhà đầu tư không được đảm bảo quyền lợi như hợp đồng ký kết.
Ông Ngô Trọng Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Kĩ thuật Công ty TNHH 2 TV BOT QL1A CIENCO4 - TCT319 cho biết, theo các phê duyệt liên quan, dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1A đoạn Km 368+400 (Nghi Sơn) - Km 402+330 (Cầu Giát) có tổng mức TMĐT điều chỉnh hơn 3.500 tỷ đồng, vốn đầu tư BOT là hơn 3.300 tỷ đồng.
Dự án được bắt đầu đưa vào khai thác từ tháng 4/2015, bắt đầu thu phí từ ngày 3/05/2015. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 21 năm 9 tháng.
Quá trình khai thác, dự án được vận hành an toàn, êm thuận, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một gia tăng, giảm ùn tắc và TNGT, tạo cơ sở hạ tầng cho việc phát triển KT-XH địa phương.
Vướng mắc ở chỗ, theo hợp đồng, nhà đầu tư sẽ được tăng phí 3 năm/lần. Đến nay, dù nhà đầu tư và DN dự án nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cho tăng mức thu phí để hoàn vốn đầu tư dự án nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
“Với mức thu phí sử dụng đường bộ hiện nay và việc thực hiện chính sách giảm giá vé cho các phương tiện vùng lân cận trạm thu phí Hoàng Mai, nhà đầu tư không thể đủ để chi trả các khoản chi liên quan như: Nộp thuế; duy tu, sửa chữa; quản lý thu phí; trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng và hoàn vốn, trả lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Mặt khác, với tác động của dịch Covid-19 và với việc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn từ Ninh Bình - Bãi Vọt) đã được triển khai, dự kiến khai thác vào đầu năm 2024, nguồn thu của dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giảm và phân lưu phương tiện”, ông Hà nói và cho biết, đến thời điểm hiện tại, tổng số phí thu được chỉ bằng khoảng 87% so với phương án tài chính đưa ra.
Bên cạnh các dự án kể trên, các dự án BOT giao thông CIENCO4 đầu tư như: BOT QL1 Bến Thủy - Hà Tĩnh, BOT QL38 Yên Lệnh - Vực Vòng cũng đang rơi vào tình trạng “lụt” tiến độ thu hồi vốn do lộ trình tăng giá vé theo hợp đồng dự án (cứ 3 năm tăng 18%) vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Lấy xây lắp bù đắp khó khăn đầu tư
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cũng bày tỏ tiếc nuối khi các dự án BOT giao thông được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho CIENCO4 sau cổ phẩn hóa lại bất ngờ vấp phải nhiều khó khăn, rào cản ngay từ lúc “khai sinh”.
Theo ông Thọ, ngay khi nhận thấy sự thiếu khả thi trong một số dự án BOT, CIENCO4 lập tức xây dựng chiến lược phát huy thế mạnh chủ đạo xây dựng hạ tầng giao thông.
Để duy trì hiệu quả hoạt động, giữ vững thương hiệu của Tập đoàn và có nguồn vốn bù đắp cho chi phí vận hành dự án BOT, việc đấu thầu các dự án xây lắp được tích cực triển khai.
Thế mạnh làm chủ nhiều công nghệ thi công tiên tiến đã giúp cho CIENCO4 hiện diện tại rất nhiều dự án có giá trị lớn (trên 1.000 tỷ) như: Dự án cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á - Tân Vũ - Lạch Huyện; Nhật Tân - Nội Bài; cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành…
Cũng theo ông Thọ, trong quá trình thi công, nếu nhiều dự án giao thông thường phải gia hạn, kéo dài thì các dự án của CIENCO4 đều hoàn thành mục tiêu về đích đúng hạn, kể cả là những gói thầu thuộc dự án sân bay có thời gian thi công rất gấp như: Gói thầu xây dựng sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; Các đường cất, hạ cánh tại các sân bay: Phú Bài, Đà Nẵng, Pleiku.
“Để tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu dự án, quá trình mở rộng hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, CIENCO4 đã được chuyển giao, làm chủ thêm các công nghệ xây dựng khác mà một số doanh nghiệp không có như: Công nghệ thi công hầm; Công nghệ thi công tường vây Barrette; Công nghệ cọc SPSP, cọc ván thép thi công hạ tầng trên các khu vực nước lớn”, ông Thọ nói và cho biết, thế mạnh ấy đã giúp CIENCO4 đã trúng được nhiều gói thầu giá trị thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông như đoạn: Nghi Sơn - Diễn Châu hơn 1.100 tỷ đồng, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn giá trị gói thầu hơn 400 tỷ đồng, Phan Thiết - Dầu giây hơn 1.900 tỷ đồng, gói thầu dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 giá trị hơn 700 tỷ đồng… Dự án mở rộng sân đỗ máy bay cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 1 giá trị gói thầu hơn 300 tỷ đồng…
Tổng giá trị các gói thầu CIENCO4 đã và đang thực hiện ước khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022, tổng giá trị tiếp tục thực hiện các gói thầu khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hiệu quả trong đấu thầu xây lắp hạ tầng giao thông đã góp phần đưa doanh thu thuần trong 3 quý đầu năm 2021 của CIENCO4 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt hơn 56 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021, doanh thu của tập đoàn sẽ đạt hơn 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế 227 tỷ đồng.
“Nói vậy để thấy rằng, dự án BOT chỉ là một trong nhiều lĩnh vực đầu tư của CIENCO4 sau cổ phần hóa. Khi đầu tư BOT gặp khó khăn, lĩnh vực chủ đạo như xây dựng hạ tầng giao thông đã đóng vai trò bình hành, giúp đơn vị tránh được sự lao dốc, “hụt hơi”; Đồng thời, duy trì tốt đời sống của người lao động, đội ngũ kỹ sư, công nhân tay nghề cao và quyền lợi của nhà đầu tư khi góp vốn, đồng hành cùng CIENCO4 phát triển”, ông Thọ chia sẻ.
Tìm hiểu của PV, trong tháng 11/2021, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có đề xuất bố trí ngân sách để xử lý các dự án BOT đã hoàn thành nhưng vướng mắc nên nhà đầu tư chưa thể thu phí hoàn vốn. Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL3 và đầu tư đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới được đề xuất hoàn trả hoàn trả 3.097 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận