Quản lý

Dự án BOT thua lỗ: Rủi ro từ việc miễn giảm phí (Kỳ 3)

25/05/2017, 10:13

Việc doanh thu thu phí sụt giảm, mức phí không được tăng theo lộ trình khiến dự án dự kiến phải kéo dài...

4

Công ty BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình bị giảm doanh thu thu phí nghiêm trọng khi không thu phí (cả năm 2016) đối với chủ phương tiện có hộ khẩu xung quanh trạm - Ảnh: K.Linh

Sợ thua lỗ, ngân hàng “treo” hơn nghìn tỷ đồng

Trạm thu phí Km 42+730, QL6 (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) chính thức thu phí từ ngày 20/10/2015 theo quy định tại Thông tư 122 ngày 18/8/2015 của Bộ Tài chính để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình với tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm bắt đầu thu phí đã xảy ra tình trạng người dân tụ tập, dàn phương tiện quanh trạm cản trở, gây tắc nghẽn giao thông và làm mất ANTT. Trước tình trạng trên, ngày 7/12/2015, UBND tỉnh Hòa Bình phát đi Văn bản 1559 đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép địa phương phối hợp với nhà đầu tư xây dựng phương án giảm giá vé cho các tổ chức, hộ dân khu vực xung quanh trạm thu phí.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, hiện Bộ GTVT đang xây dựng các cơ chế, chính sách để tiếp tục kêu gọi các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, trong đó nhiều cơ chế sẽ được xây dựng để giảm thiểu rủi ro thấp nhất cho các DN như: Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án, chính sách bảo lãnh doanh thu tối thiểu… “Trên cơ sở nghiên cứu, tính toán, dự án nào có lưu lượng thấp thì phần vốn hỗ trợ của Nhà nước sẽ lớn, ngược lại, những dự án có lưu lượng cao, phần hỗ trợ của Nhà nước sẽ giảm”, ông Huy nói.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 43,4km gồm: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc và QL6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36km. Dự án có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36, Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho biết, để đảm bảo ANTT, trong thời gian chờ ý kiến chấp thuận của các cơ quan thẩm quyền và ngân hàng tài trợ vốn, từ tháng 12/2015 đến 31/12/2016, nhà đầu tư đã buộc phải tạm thời miễn thu phí đối với các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú xung quanh trạm với số lượng hơn 1.000 xe; Chỉ tiến hành thu 30% mức phí (từ 1/1/2017) đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn, xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng container 20 feet, xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.

“Số lượng phương tiện miễn giảm rất lớn, nhất là khi dự án không được tăng phí theo lộ trình Thông tư 122 của Bộ Tài chính kể từ 1/1/2016 theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và phải lùi lại một năm đến 1/1/2017 khiến doanh thu thu phí sụt giảm nghiêm trọng so với phương án tài chính, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư”, ông Bát nói và cho biết, theo phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong năm 2016, doanh thu thu phí của dự án phải đạt ít nhất hơn 130 tỷ đồng, tuy nhiên, số thu thực tế chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng (đạt khoảng 55%).

Theo thông tin của Báo Giao thông, trước những khó khăn của dự án, Ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ vốn) đã dừng giải ngân kể từ ngày 1/9/2016, dù trước đó, ngân hàng này đã cam kết tài trợ hơn 80% vốn cho dự án, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Xác nhận thông tin này, ông Bát nói: “Ngân hàng mới giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 50% số vốn cam kết tài trợ đã bị treo gần một năm nay khiến công tác thi công tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn các cơ quan liên quan cùng vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nếu không dự án sẽ thất bại”.  

Doanh thu giảm 200 triệu đồng/ngày, dự án kéo dài 5 năm thu phí

Để hoàn vốn cho công trình BOT đường tránh TP Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 thực hiện thu phí từ năm 2005 và cầu Bến Thủy 2 thu phí từ 15/11/2012. Tuy nhiên, thời gian qua liên tục bị người dân gây rối, cản trở thu phí. Sự việc chỉ lắng xuống khi đầu tháng 4, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thống nhất miễn phí cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) cho người dân có hộ khẩu thường trú và tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và TX Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Chính sách này đang tác động lớn đến phương án tài chính, dự án phải kéo dài thời gian thu phí khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ hứng chịu nhiều rủi ro.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 (nhà đầu tư dự án) cho biết, qua thống kê sơ bộ, lượng xe địa phương thuộc diện miễn phí lên đến 14.000 xe. Riêng TP Vinh là hơn 9.000 xe. “Tính toán sơ bộ, trong một tháng qua, bình quân một ngày với số lượng phương tiện được giảm phí khiến doanh thu của dự án giảm khoảng 170 - 200 triệu đồng. Hơn nữa, trong hợp đồng BOT quy định, cứ sau 3 năm dự án sẽ được tăng phí một lần với mức tăng 18%, tuy nhiên, thực tế chúng tôi không được tăng phí theo lộ trình từ 1/1/2016 đã ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, việc doanh thu thu phí sụt giảm, mức phí không được tăng theo lộ trình khiến dự án dự kiến phải kéo dài thêm khoảng 5 năm thu phí. “Trong phương án ban đầu, dự án sẽ kết thúc thu phí vào tháng 10/2034, nhưng hiện nay phải kéo dài đến tháng 10/2039. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phương án trả nợ, công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường,… khiến nhà đầu tư chịu nhiều thiệt hại và đối mặt nhiều rủi ro”, ông Nghĩa chia sẻ.

Hàng loạt dự án BOT thua lỗ nặng

Hai cầu nghìn tỷ “méo mặt” vì không lường hết rủi ro (Kỳ 2)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.