Do thua lỗ nặng, nhà đầu tư cầu Hạc Trì nhiều lần đề nghị trả lại dự án cho Nhà nước - Ảnh: Tạ Tôn |
Nhà đầu tư xin trả lại Nhà nước dự án BOT
Cầu Hạc Trì bắc qua sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ được triển khai xây dựng từ cuối tháng 11/2013 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu hơn 1.900 tỷ đồng. Dự án được đầu tư với mục tiêu giảm tải cho cầu Việt Trì đã quá tải, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt trên QL2 từ Vĩnh Phúc đến Phú Thọ, đồng thời góp phần phát triển KT-XH cho tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận.
Sau hơn 17 tháng triển khai thi công, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu tháng 5/2015, vượt tiến độ hơn 6 tháng so với kế hoạch. Để hoàn vốn, nhà đầu tư tiến hành thu phí từ ngày 7/12/2015, với thời gian dự kiến ban đầu là 18 năm 6 ngày. Tuy nhiên, do không lường trước rủi ro do lưu lượng phương tiện thấp nên doanh thu thu phí chỉ đạt hơn nửa so với phương án tài chính ban đầu. Theo thông tin của Báo Giao thông, do lỗ nặng nhà đầu tư này đã nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xin được trả lại dự án cho Nhà nước.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) có chiều dài 3,11km, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu hơn 1.900 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dự kiến 18 năm 6 ngày. Dự án do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi - Km34 + 826,00 - QL50, trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang dài 2,69km, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu hơn 1.438 tỷ đồng, thời gian thu phí dự kiến 28 năm 4 tháng. Dự án do liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Bê tông 620 Long An làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Mạnh, Giám đốc điều hành dự án BOT cầu Hạc Trì cho biết, theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, doanh thu năm 2016 của dự án phải đạt ít nhất 138 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 89,93 tỷ đồng, khoảng 65%.
“Chỉ tính riêng năm 2016, nhà đầu tư đã bị lỗ gần 50 tỷ đồng, chưa kể các chi phí phục vụ hoạt động sản xuất của trạm thu phí và chi phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình”, ông Mạnh nói.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ông Mạnh cho biết, trong phương án tài chính ban đầu, cầu Hạc Trì đi vào khai thác, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phân luồng toàn bộ phương tiện ô tô đi cầu Hạc Trì, còn lại cầu Việt Trì cũ chỉ phục vụ các phương tiện thô sơ và khai thác đường sắt.
“Tuy nhiên, do sự phản đối quyết liệt của người dân, các cơ quan chức năng đã buộc phải cho phép các phương tiện ô tô từ 7 chỗ trở xuống khoảng hơn 4.000 lượt xe/ngày đêm lưu thông qua cầu Việt Trì cũ từ 21/8/2016. Đồng thời, hai nút giao IC7 và IC9 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến ban đầu đã khiến lưu lượng xe qua cầu Hạc Trì giảm mạnh”, ông Mạnh nói và cho biết, doanh thu của dự án từ tháng 9 - 12/2016, bình quân chỉ đạt 6,6 tỷ đồng/tháng (đạt 57% so với phương án tài chính).
“Với mức doanh thu như hiện nay và giá trị quyết toán công trình nhà đầu tư đang trình Bộ GTVT chấp thuận khoảng 1.277,8 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án dự kiến khoảng 39 năm 3 tháng, tăng 21 năm 3 tháng với phương án tài chính. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ và thiệt hại nặng nề”, ông Mạnh chia sẻ thêm.
Mỗi tháng bù lỗ 3 tỷ đồng trả lãi vay
Tại khu vực phía Nam, dự án BOT cầu Mỹ Lợi trên tuyến QL50 nối hai tỉnh Tiền Giang và Long An cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự khi doanh thu thu phí không đủ bù đắp phần lãi vay. Được biết, dự án cầu Mỹ Lợi được đầu tư với tổng mức ban đầu hơn 1.438 tỷ đồng và chính thức thu phí hoàn vốn kể từ ngày 1/11/2015. Tuy nhiên, hiện nay, dòng tiền của dự án đang bị mất cân đối, khi doanh thu chỉ đạt khoảng 60% so với phương án tài chính ban đầu, nguyên nhân trực tiếp do lưu lượng xe lưu thông thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Tài, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bê tông 620 Long An (nhà đầu tư) cho biết, khi nghiên cứu phương án tài chính, việc đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi có tính khả thi bởi trong quy hoạch hai tỉnh Long An và Tiền Giang sẽ tiến hành xây dựng các khu công nghiệp gần khu vực dự án, đồng thời, tuyến đường QL50 từ TP Hồ Chí Minh đến cầu Mỹ Lợi sẽ hoàn thành mở rộng ngay khi cầu Mỹ Lợi đi vào khai thác.
Tuy nhiên, theo ông Tài, hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Long An và Tiền Giang vẫn chưa hình thành và dự án mở rộng QL50 cũng chỉ mới tiến hành công tác GPMB được một phần rồi phải dừng lại do khó khăn GPMB, dẫn tới lưu lượng xe qua cầu Mỹ Lợi sụt giảm mạnh, chỉ đạt 60% so với dự báo.
“Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đi kiểm tra dự án và ghi nhận, đây chính là một trong những rủi ro của các dự án BOT mà các nhà đầu tư cần phải đánh giá nhận thức được nếu không sẽ thất bại và lâm vào tình trạng nợ nần trong thời gian dài”.
Đại diện nhà đầu tư cũng cho biết, theo phương án tài chính, trong năm 2016 bình quân mỗi ngày dự án phải thu được ít nhất 120 triệu đồng, nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày. “Năm 2016, bình quân mỗi tháng chúng tôi phải bỏ ra 3 tỷ đồng để bù vào tiền trả lãi vay của ngân hàng. Nếu lượng xe tiếp tục không có sự tăng trưởng như dự báo, theo tính toán chúng tôi sẽ bỏ tiền túi để bù lỗ cho phần lãi vay ngân hàng trong vòng 17 năm tới”, ông Tài nói và cho biết thêm, thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính ban đầu là 28 năm 4 tháng, nhưng doanh thu không đảm bảo, nên Bộ GTVT đã phải kéo dài thời gian thu phí lên 44 năm 6 tháng.
“Đối với các dự án BOT, thời gian hoàn vốn càng kéo dài, nhà đầu tư càng chịu nhiều rủi ro và thiệt hại lớn. Riêng dự án BOT cầu Mỹ Lợi là bài học rất nặng nề với các nhà đầu tư như chúng tôi”, ông Tài chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận