Nguy cơ bị cắt nguồn vốn đã bố trí
Có mặt tại QL26, đoạn tuyến từ chân đèo Phượng Hoàng (Km26) đến Km30 (địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), PV báo Giao thông tận thấy, đơn vị thi công đang huy động thiết bị, nhân lực thi công một số đoạn. Còn lại, nhiều vị trí chưa thi công hoặc đào đắp dở, có vị trí còn bị chủ đất rào ngang đường công vụ không cho xe, máy vào thi công (do đất đồi chưa thống nhất đền bù).
Tại Km 27+400 - Km 27+700, một dải đất trống trải, nằm bên trái tuyến, nhưng đơn vị thi công không thể đưa máy vào thi công.
Đây là diện tích đất của ông B.V.N đã được cấp sổ đỏ năm 2017, đang sử dụng canh tác. Diện tích này chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đang vận động ông N bàn giao mặt bằng thi công.
Còn tại Km 28+200 - Km 28+400 (trái tuyến) là khúc cua ngặt, chủ đầu tư dự án (Ban QLDA 5, Bộ GTVT) đã lên phương án chỉnh tuyến. Chủ đất là ông L.V.T đang trồng cây cối, hoa màu trên diện tích khoảng 7.000m2. UBND thị xã Ninh Hòa đang chỉ đạo chính quyền xã Ninh Tây và các đơn vị liên quan vận động ông T di dời tài sản, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Di chuyển lên đỉnh đèo tại Km 30+200 - Km 30+500, tại đây, thiết bị vật tư, thiết bị đã được tập kết, trên mỏm núi, một con đường được đào phá nhưng bị rào chắn bằng cây rừng.
"Nơi đây, chủ đầu tư đã bỏ ra 100 triệu đồng hỗ trợ để vận động người dân đồng ý giao 1.400m2 đất cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đất lại thay đổi ý định giao đất. Họ đã cho rào lại đường đang thi công dở ngăn không cho đưa máy móc vào. Hiện, vật tư, thiết bị đã bố trí cũng phải nằm chờ.
Tại dự án này, từ đầu triển khai, chủ đầu tư đã tự vận động, bỏ kinh phí hỗ trợ để cho người dân sớm bàn giao đất cho dự án. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, chủ đầu tư dự án đã xin gia hạn một lần và bố trí thêm vốn nên rất khó để gia hạn tiến độ dự án thêm lần nữa. Thậm chí, nguy cơ nguồn vốn bị cắt dần hiện hữu nếu không có biến chuyển trong giải phóng mặt bằng", một cán bộ chủ đầu tư dự án cho biết.
Theo Ban QLDA 5, đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành thi công trong phạm vi được bàn giao mặt bằng. Ước tính khối lượng đạt hơn 173 tỷ đồng (gần 78%).
Đoạn từ đầu tuyến đến đèo Phượng Hoàng (dài 11,4km) đã được địa phương bàn giao mặt bằng từ tháng 6/2023. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành thi công thảm nhựa, đang hoàn thiện hệ thống ATGT.
Đoạn trên đèo Phượng Hoàng (dài 3,7km), do còn vướng mặt bằng chưa giải phóng nên chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải vừa vận động người dân, vừa thi công trên khoảng 2,6km, còn vướng mặt bằng tại 3 vị trí chỉnh tuyến với tổng chiều dài 1,1km.
Cũng theo Ban QLDA 5, tổng vốn đã cấp cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 đến nay là 182 tỷ đồng. Năm 2022, được cấp hơn 4 tỷ đồng đã giải ngân 100%. Năm 2023, được cấp gần 137 tỷ đồng giải ngân 100%. Năm nay, được cấp hơn 41 tỷ đồng giải ngân được hơn 40 tỷ đồng (đạt 97,5%).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA 5 cho biết: "Ngày 7/11, Bộ GTVT cấp bổ sung vốn năm 2024 hơn 63 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải ngân khoảng gần 31 tỷ đồng, còn lại hơn 32 tỷ đồng xin kéo dài sang năm 2025.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành sau 450 ngày (kể từ ngày 16/8/2023). Tuy nhiên, do vướng mắc mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Cục Đường bộ Việt Nam đã đồng ý cho dự án gia hạn tiến độ đến 31/12/2024. Trước vướng mắc về mặt bằng như hiện nay, nhiều khả năng Ban QLDA phải tiếp tục xin gia hạn tiến độ dự án qua năm 2025".
Nguy cơ kéo lê tiến độ dự án
Được biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là mặt bằng đoạn qua đèo Phượng Hoàng chưa được bàn giao. Nhà thầu chỉ có thể thi công các đoạn xen kẽ giữa 3 vị trí vướng mắc trên. Đến nay, UBND thị xã Ninh Hòa vẫn chưa hoàn thành công tác lập, phê duyệt phương án đền bù do chưa thực hiện xong việc phê duyệt trích đo địa chính và giá đất cụ thể. Việc chậm các thủ tục pháp lý dẫn đến kéo dài công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm giải ngân vốn đầu tư đã bố trí trong năm 2024.
Vướng mắc mặt bằng tại 3 vị trí chỉnh tuyến, phía UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, thị xã đã chỉ đạo xã Ninh Tây và các đơn vị liên quan tổ chức vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng, không cản trở thi công. UBND thị xã sẽ sớm phê duyệt giá đất cụ thể, tính tiền bồi thường các trường hợp bị ảnh hưởng, để nhà thầu thi công được thuận lợi.
Trước vướng mắc về mặt bằng, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND thị xã Ninh Hòa đã phê duyệt dự toán gói thầu, xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại dự án cải tạo, nâng cấp QL26. Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, dự kiến đầu tháng 1/2025 mới ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể tại dự án này. Sau đó phải niêm yết, phê duyệt bồi thường mất khoảng 2 tháng.
"Theo báo cáo của thị xã Ninh Hòa, tiến độ dự án đang quá chậm. UBND tỉnh đã yêu cầu địa phương đẩy nhanh thủ tục, phê duyệt giá đất cụ thể trong tháng 12 để làm cơ sở đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Song song với đó, UBND thị xã Ninh Hòa phối hợp với Ban QLDA 5 tiếp tục vận động các hộ dân giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án", ông Nam cho biết.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL26 (các đoạn còn lại chưa được đầu tư) qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2021, khởi công vào ngày 16/8/2023. Dự án do Ban QLDA 5 quản lý thực hiện. Tổng vốn đầu tư khoảng 268 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 235 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài tuyến gần 16km. Điểm đầu tại lý trình Km 15+350 (thuộc xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa). Điểm cuối tại lý trình Km 31+255 (ranh giới hành chính giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk). Nền đường đoạn qua trung tâm xã Ninh Sim giữ nguyên theo hiện trạng đã đầu tư; các đoạn còn lại bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m, 2 làn xe cơ giới. Riêng đoạn qua đèo Phượng Hoàng (khoảng 5km), bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 8m với 2 làn xe cơ giới; khổ các cầu bằng khổ nền đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận