Khiếu nại triền miên
Ngày 28/10/2016, Sở GTVT TP.HCM có quyết định số 5800 phê duyệt dự án cải tạo kênh A41, UBND quận Tân Bình là chủ đầu tư. Đây là dự án thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất kết hợp với chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường khu vực các phường xung quanh sân bay.
Toàn tuyến kênh A41 dài 837,5 m, bắt nguồn từ 2 cống thoát nước của sân bay, chảy từ đường Phan Thúc Duyện cắt ngang đường Đồ Sơn, đường Ba Vì, sau đó hợp dòng tại đường Giải Phóng dẫn ra đường Cộng Hòa rồi đổ vào hệ thống cống ngầm đường Út Tịch để thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo quy mô đã phê duyệt, đoạn kênh từ đường Út Tịch đến đường Giải Phóng sẽ được lắp đặt cống hộp đôi. Đoạn kênh từ đường Giải Phóng đến đường Phan Thúc Duyện gồm 2 nhánh lắp đặt cống hộp đơn thay thế cho kênh hở như hiện nay. Phía trên mặt kênh, kết hợp làm đường rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên 4 m.
Người dân khiếu nại triền miên vì cho rằng dự án A41 đã bị chủ đầu tư "nắn" tim kênh dẫn đến việc diện tích nhà dân vì "cắt" đi lớn hơn thiết kế ban đầu.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Tân Bình, tổng diện tích thu hồi của dự án là hơn 19.354 m2. Trong đó, diện tích thu hồi của các hộ dân là hơn 8.041 m2. Tổng chi phí dự toán đầu tư hơn 347,5 tỉ đồng.
Thế nhưng, liên tục trong nhiều năm qua, hàng chục hộ dân đã gửi kiến nghị, khiếu nại chủ đầu tư vì cho rằng dự án có dấu hiệu “nắn” tim kênh, “né” phía doanh nghiệp để “cắt” vào phía nhà dân.
Phản ánh đến Báo Giao thông, bà Nguyễn Mai Hoa (57 tuổi) nhà số 2/19 Đồ Sơn, P.4 quận Tân Bình bức xúc: “Theo thiết kế tim kênh chuẩn ban đầu thì dự án “cắt” vào nhà tôi 13,3 m. Sau khi chủ đầu tư “nắn” lại tim kênh, dự án cắt thêm vào nhà tôi thêm 4,8 m. Gia đình tôi mặc dù rất đồng tình chủ trương cải tạo kênh A41 vì giúp đô thị khu vực được chỉnh trang tốt hơn nhưng cách triển khai của chủ đầu tư trên thực tế không đảm bảo sự công bằng”.
Vỉa hè “siêu rộng” để làm gì?
Theo bà Lê Thị Sữa, ngụ số 3/2 đường Đồ Sơn, vị trí cống thu nước của kênh A41 được chủ đầu tư vẽ lại không đúng với thực tế. Theo bà Sữa, Xí nghiệp in Tài chính bên kia kênh chỉ cách mép kênh khoảng 20cm, nhưng chủ đầu tư không thu hồi một phần mà lại dồn hết thiệt hại về phía người dân.
“Cống hộp hiện hữu trước đây người ta đặt ở chỗ 132 đường Cộng hòa là ngoài ranh nhà tôi, nó nằm cạnh nhà Xí nghiệp in Tài chính bây giờ nó vẫn còn nằm đó. Tôi đề nghị các cơ quan ban, ngành cùng chủ đầu tư xuống trực tiếp kiểm tra. Thậm chí gia đình tôi sẵn sàng bỏ kinh phí ra vét một góc kênh lên để mọi người nhìn thấy mép cống, mép kênh cụ thể. Chủ đầu tư vẽ lại thiết kế cho rằng tim kênh nằm trong nhà tôi là sai sự thật”, bà Sữa bức xúc.
Đến thời điểm hiện tại, sau 6 năm kể từ khi dự án được phê duyệt, kênh A41 vẫn nằm trên giấy. Cùng với đó là tình trạng kiến nghị, khiếu nại triền miên nhưng UBND quận Tân Bình chưa xử lý triệt để.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Quyết định 4927 năm 2014 của Bộ GTVT nêu rõ, vỉa hè tối thiểu được quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường theo các cấp độ khác nhau.
Cụ thể, đường cấp độ A (lòng đường lớn 17-30m), quy định chiều rộng vỉa hè tối thiểu là: 1,5 - 3.5 m. Đường cấp độ B (lòng đường 8 -17m) quy định chiều rộng vỉa hè tối thiểu là: 0,75 - 1.5 m.
Tuy nhiên, đối với dự án cải tạo kênh A41 hiện nay, lòng đường rơi vào nhóm đường cấp độ B nhưng vỉa hè lên đến 4 m. Đây là vấn đề hầu hết các hộ dân có khiếu nại bức xúc nhưng chưa được chủ đầu tư giải thích thỏa đáng.
Ông Bùi Quang Phan, một trong các hộ dân khiếu nại nêu ý kiến: việc chủ đầu tư xác định vỉa hè mỗi bên 4 m là hoàn toàn sai so với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.
“Qua buổi tiếp xúc, người dân có phản ánh một số vấn đề về lộ giới của đường, vỉa hè và giá đền bù. Ngoài ra, có một số kiến nghị riêng về xem xét lại nguồn gốc quá trình sử dụng đất, đề nghị đo đạc lại, đề nghị hỗ trợ toàn bộ căn nhà, hỗ trợ tiền xây dựng mới lại toàn bộ căn nhà... UBND quận Tân Bình nhận thấy có một số nội dung có cơ sở để xem xét và cũng đã yêu cầu Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư nghiên cứu, quyết định theo đúng thẩm quyền thực hiện theo hướng có lợi cho người dân”, ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết.
Theo đó, tuyến kênh A41 là đường phố nội bộ, vì đường trên kênh liên kết giao thông trong khu vực phường, khu dân cư, thuộc hè đường loại 3, chỉ 1m đến 2 m vỉa hè mỗi bên.
Trong khi chủ đầu tư lại căn cứ, viện dẫn các quy định của TP.HCM mở rộng lên 4 m là không phù hợp, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại quy hoạch, thu hồi nhiều diện tích đất, phá vỡ nhiều công trình nhà ở kiên cố, gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
Tại buổi làm việc gần đây nhất ngày 20/6, ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình cùng các đơn vị liên quan đã đến khu vực triển khai dự án để xác định tim kênh sau khi người dân kiến nghị, khiếu nại. Ghi nhận tại thực địa, tim kênh nằm cách xa nhà bà Sửa và chỉ cách tòa nhà kiên cố của một doanh nghiệp hơn 2m.
Tại buổi Họp báo định kỳ tại Trung tâm báo chí TP.HCM, trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông chuyển tải trước đó, ông Trương Tấn Sơn, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình cho biết, dự án kênh A41 có 142 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 135 hộ dân và 7 tổ chức.
Tháng 4 vừa qua, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án đã tổ chức niêm yết dự thảo chính sách và phương án bồi thường tái định cư. Kết quả bước đầu có 96/142 trường hợp đồng thuận, đạt 67,6%.
Sau cuộc họp của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các hộ dân chưa đồng thuận, UBND quận đã thành lập tổ công tác làm việc với các hộ chưa đồng ý. Đến ngày 30/6, tỉ lệ hộ dân đồng thuận đã nâng lên 80,8% với 114/142 trường hợp. Hội đồng đã chi trả cho 84 trường hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận