Dự án đường liên vùng Tân Sơn (Ninh Thuận) - Đức Trọng (Lâm Đồng) gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 là tuyến đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) có chiều dài hơn 22km, đã thi công xong.
Dự án thành phần 2 là đường từ xã Ma Nới đến ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng), có chiều dài hơn 40km, có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng được triển khai thi công đầu năm 2023. Dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025.
Đến nay, đoạn tuyến dài 22km (dự án thành phần 1) đã được thông xe để nối thông đến tỉnh Lâm Đồng, còn lại 18km (dự án thành phần 2) đường liên vùng Tân Sơn - Đức Trọng, nhà thầu đang triển khai thi công rầm rộ trên công trường.
Theo ghi nhận của PV vào một sáng cuối tháng 3, từ trung tâm xã Ma Nới đến giáp ranh huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), nhiều đoạn đường đã được thảm nhựa, dọc tuyến nhiều mũi đang thi công nền đường, hệ thống thoát nước, gia cố mái ta luy dọc tuyến.
Trên tuyến có hai cây cầu đã hoàn thành thi công kết cấu phần trên, thảm nhựa hoàn chỉnh. Đoạn giáp ranh huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chưa được thi công do vướng phần đất rừng chưa được chuyển đổi mục đích đất sử dụng.
Anh Trần Trạch, Chỉ huy trưởng gói thầu số 22 thuộc Công ty CP Phúc Thành An cho biết, đơn vị thi công đã thi công hoàn thiện phần nền đường, thảm nhựa hơn 4km.
Sau lễ phát động thi đua đầu năm 2024, đơn vị đang tập trung thiết bị máy móc, đẩy nhanh thi công phần đường và cầu trên tuyến chính.
"Tiến độ gói thầu đạt 85% sản lượng, nhà thầu đang gấp rút thi công hoàn thiện hai cây cầu trước 15/4. Nếu được bàn giao diện tích mặt bằng còn lại trong tháng 4, đơn vị thi công đảm bảo hoàn thành gói thầu vượt tiến độ nhiều tháng", anh Trạch khẳng định.
Trao đổi với PV, một cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án cho biết: Dự án thành phần 2 gồm gói thầu số 22 (Km22+283 đến Km31+500 ) có chiều dài hơn 9,2km.
Gói thầu số 23 (Km31+500 đến Km41+500) có chiều dài 10km, hai gói thầu này nằm trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Sau khởi công do vướng đất rừng, hai gói thầu chưa thi công đồng bộ khớp nối. Đến giữa tháng 3, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết khi Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất rừng.
Địa phương đang rốt ráo phối hợp các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi đất rừng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để sớm khớp nối toàn tuyến.
Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận cho biết: Theo kế hoạch dự án thành phần 2 sẽ hoàn thành năm 2025. Nay "nút thắt" mặt bằng đã từng bước được tháo gỡ, Ban QLDA đặt mục tiêu thông tuyến trong quý I/2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận