Đường sắt

Dự án đường sắt “khủng” 7.000 tỷ đang triển khai thế nào?

20/12/2020, 11:30

Khởi công từ tháng 5/2020, dự án đường sắt “khủng” 7.000 tỷ kỳ vọng khi hoàn thành sẽ chạy đến 25 đôi tàu/ngày đêm Hà Nội - Sài Gòn.

img

Dự án đường sắt 7.000 tỉ thực hiện xây mới, cải tạo hơn 100 cầu, hơn 200km đường sắt... Ảnh: Sàng cầu Sa Lung (Quảng Trị) mới vào vị trí, thực hiện nối ray, thông tuyến để cho tàu qua

Nâng cấp, xây mới hơn 100 cầu, hơn 200km đường sắt

Tháng 5/2020, Bộ GTVT chính thức khởi công gói thầu đầu tiên trong 4 dự án đường sắt thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM. Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021.

Ban Quản lý dự án đường sắt được giao làm chủ đầu tư 3 dự án gồm: Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Bốn dự án này có quy mô rất lớn với xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; Cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; Cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; Gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến…

img

Thi công cải tạo, nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ đoạn Hà Nội - Vinh

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay, cả 3 dự án Ban được giao làm chủ đầu tư đều đang triển khai thi công các gói thầu xây lắp tại hiện trường, đảm bảo an toàn, chất lượng và cơ bản đáp ứng tiến độ, kế hoạch theo hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và Nhà thầu thi công. Trong đó, Dự án Hà Nội - Vinh, 6 gói thầu xây lắp chính về đường, ga đã ký kết hợp đồng, khởi công và triển khai thi công tại hiện trường; Dự án cầu yếu, đã triển khai thi công ngoài hiện trường 4 gói thầu xây lắp, sản lượng trung bình đạt khoảng 40-50% khối lượng theo hợp đồng…

Một số gói thầu xây lắp đường sắt còn vượt tiến độ. Có 3 gói xây lắp cầu đường sắt bị chậm so với tiến độ đặt ra do ảnh hưởng bởi bão lũ và dịch Covid-19 khu vực miền Trung, tuy nhiên không ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Ông Nguyễn Văn Uy, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, Ban QLDA 85 cho biết, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành lựa chọn được 4 gói thầu xây lắp Dự án Vinh - Nha Trang do Ban làm chủ đầu tư để triển khai thi công trên tuyến. Trong đó, hai gói số 9, số 10 xây lắp đường sắt đã thi công được gần 50% giá trị gói thầu, dự kiến đến tháng 5/2021 hoàn thành, sẽ về trước tiến độ 2-3 tháng… Gói thầu số 12 xây lắp hầm đường sắt - đây là hầm dài nhất trong dự án, đã ký xong hợp đồng; nhà thầu đang chuẩn bị, dự kiến giữa tháng 1/2021 sẽ tổ chức thi công ngoài hiện trường.

Các Ban quản lý dự án cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công ngoài hiện trường, bù đắp tiến độ bị chậm trước đây do ảnh hưởng liên tục bão lũ khu vực miền Trung, phải dừng thi công.

img

Thi công cải tạo, nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ, đoạn Vinh - Nha Trang, ở khu gian Vạn Phú - Phù Mỹ, Bình Định

Nâng năng lực thông qua đến 25 đôi tàu/ngày đêm

Ông Mai Minh Việt cho biết, yêu cầu đặt ra khi lập dự án đầu tư gói 7.000 tỷ là ưu tiên lựa chọn thực hiện các công trình, hạng mục thiết yếu, ít phải giải phóng mặt bằng để nhanh chóng giải quyết các bất cập về kết cấu hạ tầng trên tuyến đường sắt, đảm bảo phát huy ngay hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Vì vậy, các hạng mục được lựa chọn bao gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình cầu, hầm yếu, đã xuống cấp, làm trụ chống va cho các cầu có thông thuyền nhằm đảm bảo an toàn, đồng thống nhất tải trọng (4,2 tấn/m) và nâng cao tốc độ chạy tàu; Cải tạo, mở mới một số ga và trạm đường nhường tránh, mở thêm đường số 3 với những ga 2 đường ga, kéo dài các đường ga đảm bảo chiều dài dùng được 400m, cải tạo mái che ke ga tại các ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn để giải quyết nút thắt về vận tải.

Cùng đó, nâng cấp nền đường, thay thế kiến trúc tầng trên (tà vẹt, ray, ghi, phụ kiện nối giữ); đường cong bán kính nhỏ R<300m để đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu. Xây dựng hàng rào, đường gom một số đoạn thường xảy ra tai nạn giao thông để đóng các lối đi dân sinh đảm bảo an toàn giao thông.

Với các hạng mục trên, việc thực hiện 4 dự án cấp thiết thuộc gói 7.000 tỷ về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

img

Đoạn đường sắt mới được nâng cấp, thay ray, tà vẹt ở Bình Định, nâng tốc độc chạy tàu

Hiệu quả về năng lực vận tải, trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần; tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h, tàu hàng là 50Km/h.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh, khi Dự án 7.000 tỷ hoàn thành, sẽ cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng đường sắt Bắc - Nam. Đặc biệt, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về nâng cao năng lực cho khai thác vận tải.

“Dự án sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải, chủ yếu như những ga không đủ chiều dài đường đón, gửi tàu, những ga chỉ có 2 đường; đồng nhất tải trọng cầu đường. Như vậy sẽ tăng được chiều dài, tải trọng đoàn tàu, tăng được số lượng đoàn tàu trong ngày, nên vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác được hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo...”, ông Mạnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.