Đường sắt

Dự án đường sắt “khủng” 7.000 tỷ thi công xuyên Tết

03/01/2021, 09:25

Dịp nghỉ Tết Dương lịch, dự án đường sắt “khủng” 7.000 tỷ vẫn thi công liên tục để đảm bảo tiến độ về đích.

img

Dự án đường sắt “khủng” 7.000 tỷ vẫn thi công xuyên Tết nhằm đảm bảo tiến độ về đích.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dù đợt nghỉ Tết Dương lịch năm nay trùng dịp cuối tuần nên kéo dài 3 ngày, nhưng việc triển khai trên hiện trường dự án đường sắt “khủng” 7.000 tỷ vẫn diễn ra bình thường.

“Công tác thi công trên tuyến được thực hiện bình thường, không có nghỉ Tết. Toàn bộ cán bộ, công nhân trên công trình lao động như ngày thường, bám tiến độ, để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Việt nói và cho biết thêm, mặc dù ngành Đường sắt tăng tàu trong dịp này nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công và không có sự cố mất an toàn nào xảy ra.

Ông Việt cũng cho biết, dự kiến 5/1/2021 tới đây sẽ sàng dầm chiếc cầu cuối cùng của gói thầu xây lắp 01 và tiếp tục hoàn thiện các khâu cuối trên hiện trường của gói này để bàn giao toàn cho Tổng công ty Đường sắt VN khai thác bình thường trước Tết Nguyên đán, phục vụ chiến dịch vận tải Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán, việc thi công trên tuyến sẽ tạm dừng để phục vụ chạy tàu Tết nhưng các công việc liên quan tại hiện trường vẫn được triển khai.

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dịp Tết Dương lịch 2021, ngành Đường sắt tăng ít tàu hơn so với mọi năm và chủ yếu đi ngắn đường nên không ảnh hưởng chậm tàu do việc thi công dự án 7.000 tỷ.

Đối với tàu Thống nhất Hà Nội - Sài Gòn, từ tháng 12 trở về trước thường xuyên chậm tàu do ảnh hưởng việc thi công trên tuyến, phá vỡ biểu đồ chạy tàu. Nhiều chuyến tàu phải về ga Giáp Bát chờ qua giờ cao điểm sáng mới được vào ga Hà Nội, khiến hành khách phàn nàn.

Vì vậy, ngành Đường sắt đã phải tạm thời điều chỉnh giờ tàu khách Thống nhất đi đến các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam từ ngày 17/12/2020 đến hết ngày 19/1/2021. Theo đó, các đoàn tàu khách Thống nhất kéo dài thời gian hành trình từ 1-2 giờ so với trước. Ngoài hai ga Sài Gòn, Hà Nội là hai đầu tàu xuất phát và kết thúc hành trình, giờ tàu đi, đến các ga dọc đường cũng điều chỉnh theo. Do đó, với lịch trình mới, tàu Thống nhất không còn chậm giờ như trước.

img

Cầu Rồng trước (Quảng Bình) đã được hoàn thành từ tháng 11/2020

Được biết, tháng 5/2020, Bộ GTVT chính thức khởi công gói thầu đầu tiên trong 4 dự án đường sắt thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM. Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021.

Gói 7.000 tỷ gồm 4 dự án cấp thiết có quy mô rất lớn với xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; Cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; Cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; Gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến…

Với các hạng mục trên, việc thực hiện gói 7.000 tỷ về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

Hiệu quả về năng lực vận tải, trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần; tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h, tàu hàng là 50Km/h.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.