Thi công xuyên dịch
Dự án đường Vành đai 2 là một trong số ít công trình trọng điểm của TP Hà Nội được cấp phép thi công trong những ngày Thủ đô áp dụng giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn đường trên cao đang dần được hoàn thiện những đoạn cuối cùng.
Trong đó, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến nút giao đường Bạch Mai - Minh Khai - Đại La, công nhân gấp rút ghép đà giáo di động để hoàn thiện, thi công dầm đoạn còn lại, từ số nhà 165 - 189 đường Minh Khai.
Trên đường Vành đai 2, công nhân đang lắp ghép đà giáo di động đoạn Minh Khai
Đoạn từ nút giao Bạch Mai - Minh Khai đến Ngã Tư Vọng hiện vẫn được tăng tốc thi công các trụ bê tông để phục vụ công tác đổ dầm. Công tác cải tạo mặt đường dưới thấp cũng được khớp nối hoàn thiện song song với tiến độ đường trên cao.
Tương tự, dự án hầm chui Lê Văn Lương cũng được tổ chức thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Thời điểm Hà Nội bắt đầu giãn cách, dự án mới triển khai đào hệ thống thoát nước, phục vụ mở rộng mặt đường.
Hiện tại, phần mở rộng mặt đường hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu đã hoàn thành đến lớp cấp phối đá dăm láng nhựa.
Đối với phần mở rộng hướng Lê Văn Lương - Láng, nhà thầu đang đặt đường ống thoát nước trước khi cấp phối đá hoàn thiện mặt đường.
Cũng trong diện được cơ quan chức năng cấp phép thi công trong các đợt giãn cách của Hà Nội, song dự án nâng cấp cải tạo đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) lại không thể tăng tốc, hoàn thiện các hạng mục, cán đích đúng tiến độ do khó khăn về nhân lực.
Dự kiến, dự án này sẽ về đích vào tháng 10/2020, tuy nhiên hiện nhiều hạng mục như vỉa hè, hệ thống điện vẫn dở dang; mặt đường ngổn ngang cát đá, vật liệu xây dựng, nguy cơ mất ATGT luôn tiềm ẩn.
Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban QLDA quận Thanh Xuân cho biết, dịch Covid-19 đã khiến lực lượng công nhân tại công trường thiếu hụt do Hà Nội là vùng dịch, công nhân ở các tỉnh về quê phòng dịch nên nguồn nhân lực để thi công dự án thiếu hụt.
“Theo kế hoạch, công trình hoàn thành khai thác vào cuối tháng 10/2021. Tuy nhiên, với những diễn biến mới của dịch bệnh, lực lượng lao động không được đảm bảo, tiến độ của dự án có thể chậm hơn so với dự kiến”, ông Hải thông tin.
Một số dự án duy tu, nâng cấp đường kết nối giao thông khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng đang “giậm chân tại chỗ” khiến chủ đầu tư không khỏi lo lắng và ảnh hưởng lớn đến quá trình đi lại của người dân.
Điển hình, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân). Được nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây lắp - Kinh doanh thiết bị Hà Nội khởi công từ tháng 8/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2021 nhưng suốt 2 tháng qua, dự án này gần như “đắp chiếu” vì không được cấp phép thi công xuyên dịch.
Vật liệu tập kết ngổn ngang, mặt đường đang trong quá trình thi công, đoạn từ đầu đường Lê Văn Lương đến nút giao Lê Văn Thiêm - Ngụy Như Kon Tum nham nhở ổ gà, ổ voi sau mỗi trận mưa.
Đoạn đường tại nút giao với phố Nguyễn Huy Tưởng thì ngổn ngang những tấm sắt gá tạm trơ góc cạnh, nhô cao so với mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Gấp rút bù tiến độ
Đường Vũ Trọng Phụng dù được thi công xuyên dịch song vẫn ngổn ngang, mất ATGT
Trao đổi với Báo Giao thông ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc Ban điều hành nhà thầu Cienco4 - đơn vị đại diện liên danh nhà thầu thi công hầm chui Lê Văn Lương cho biết, mặc dù dự án trọng điểm được phép thi công xuyên dịch suốt 2 tháng qua song tiến độ dự án cũng chỉ đáp ứng 50% kế hoạch do vật tư, vật liệu cấp vào dự án bị gián đoạn, nhân công thiếu hụt, trạm trộn chưa được hoạt động do nằm trong vùng dịch.
“Đến nay, những hạng mục nào đã bàn giao mặt bằng, Cienco4 đều đáp ứng yêu cầu. Ví dụ như phần tường chắn, chúng tôi đã hoàn thiện khoảng 80%, cọc bê tông bên phải tuyến ép 100% theo kế hoạch của phạm vi mặt bằng, phần trạm bơm đã đổ xong bê tông bên trái. Các hạng mục khác đang phụ thuộc vào công tác thảm bê tông nhựa ở các kết cấu đường gom”, ông Phúc thông tin.
Thông tin về kế hoạch trong giai đoạn nới lỏng xã hội, lãnh đạo Cienco4 cho biết, liên danh nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ.
Đối với các công nhân đang ở tại công trường dự án sẽ tiếp tục thi công theo phương án 3 tại chỗ để phòng dịch. Với nhân công đặc biệt từ các tỉnh, theo tìm hiểu của nhà thầu khoảng ngày 25/9 sẽ trở lại thi công đại trà.
“Chúng tôi mong thành phố có phương án đặc thù cấp phép cho trạm trộn và sau nới lỏng sẽ sớm cấp phép phân luồng giao thông để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Phúc kiến nghị.
Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban QLDA quận Thanh Xuân cho biết, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 2 dự án giao thông trên đường Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Thiêm, hiện cả 2 dự án trên đều đang “lụt” tiến độ.
Đối với dự án cải tạo đường Lê Văn Thiêm theo hợp đồng là trong tháng 9 về đích nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 công trình phải ngừng thi công suốt 2 tháng nay.
Hiện, tiến độ dự án nhà thầu mới hoàn thiện khoảng 20%, trong đó thi công lòng đường được khoảng 50m, toàn tuyến khoảng gần 600m.
“Chúng tôi đang kiến nghị xin gia hạn hợp đồng, giấy phép đào đường để giữa tháng 11 đưa dự án về đích”, ông Hải thông tin.
Với dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng (trên địa bàn các quận: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa), các nhà thầu đang triển khai nhiều mũi thi công đồng loạt nhằm đáp ứng tiến độ. Hiện, trên công trường có gần 500 công nhân được phân chia ở các hạng mục đổ dầm, lắp đà giáo di động.
Theo lãnh đạo Ban QLDA các công trình giao thông Hà Nội, hiện Ban này đang được giao làm chủ đầu tư 31 dự án giao thông trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có 6 công trình trọng điểm được thi công trong thời gian giãn cách, còn lại khoảng chục công trình phải ngừng thi công để phòng dịch.
Một số dự án khác do vướng mặt bằng nên chưa thể thi công khiến tiến độ bị ảnh hưởng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công khi Hà Nội nới lỏng giãn cách”, vị này nói và cho biết, đối với các dự án phải ngừng thi công để phòng dịch sẽ được thành phố đưa vào danh sách chậm tiến độ do các trường hợp bất khả kháng. Trường hợp nhà thầu gia hạn tiến độ, Ban sẽ căn cứ vào nội dung đó để có giải pháp hỗ trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận