Đường bộ

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm

Ngay sau chuyến thị sát hiện trường của Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ đầu năm mới, hàng loạt cuộc họp đã được triển khai, các dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm. Nhiều dự án đặt mục tiêu về đích trước kế hoạch.

Hối hả thi công ngay sau Tết

Những ngày đầu tháng Giêng, PV Báo Giao thông có mặt tại những dự án trọng điểm như: Sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP.HCM, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất... Đây là những dự án mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát vào các ngày 12-13/2.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết (12 và 13/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát một số dự án giao thông trọng điểm.

Tại Hà Nội, sáng mùng 3 Tết, Thủ tướng kiểm tra hiện trường thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tại đây, ông yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, không thể để dự án tiếp tục kéo dài.

Ở phía Nam, Thủ tướng trực tiếp đến các dự án: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép...

Tại dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đánh giá rất cao tiến độ đang triển khai, đồng thời động viên: "Phải làm 3 ca 4 kíp, xuyên Tết xuyên ngày nghỉ, bàn làm không bàn lùi, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương".

Tại dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ tướng biểu dương TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; Nhắc nhở tỉnh Đồng Nai về nội dung trên. Thủ tướng chỉ đạo, cần đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3, xác định 2024 là năm tăng tốc, 2025 là năm bứt tốc và năm 2026 phải hoàn thiện dự án.

Ở dự án sân bay quốc tế Long Thành, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh hơn tiến độ: "Ban đầu đủng đỉnh thì bây giờ phải vội vã, vất vả hơn mới bảo đảm được tiến độ".

Trở về sau chuyến thị sát, sáng 16/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp phiên thứ 9 của Ban chỉ đạo.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi, với tổng mức đầu tư rất lớn: 422.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Xác định 2024 là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát… phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các công việc được giao, với yêu cầu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật.

Nhấn mạnh một số kinh nghiệm là phải bám sát tình hình, phản ứng nhanh, kịp thời, thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là phải chủ động, tích cực triển khai các công việc theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết".

PV

Theo ghi nhận, tại các công trình này, việc thi công đã trở lại nhịp hối hả, công nhân, kỹ sư đều trở lại đông đủ sau kỳ nghỉ Tết.

Đang hướng dẫn công nhân thi công tại Đài kiểm soát không lưu, ông Nguyễn Mạnh Hải (nhà thầu Tổng công ty 36, đơn vị thi công tại khu vực công trình quản lý bay - dự án thành phần 2 sân bay Long Thành) cho biết, sau khi bám trụ xuyên Tết, hiện ông và nhiều công nhân khác tiếp tục chung sức đẩy tiến độ dự án trong mùa khô.

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua TP Thủ Đức trong chuyến thị sát các dự án giao thông đầu năm mới. Ảnh: Chí Hùng.

Chỉ tay lên tháp kiểm soát không lưu, ông Hải cho biết: "Trước Tết, tháp mới chỉ triển khai được độ cao trên 24m, nhưng khi làm xuyên Tết, tháp đã đạt độ cao trên 33m".

Tại dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, các hạng mục như: Nhà ga hành khách, đường kết nối T1, T2, đường băng, đường lăn sân đỗ… cũng đã thành hình. Sau thời gian thi công xuyên Tết, khối lượng công việc của các hạng mục tăng lên đáng kể.

Có mặt tại nhà ga hành khách, ông Evren Isit Bingol, chỉ huy trưởng liên danh Vietur (thi công gói thầu nhà ga hành khách) cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, liên danh các nhà thầu tiếp tục huy động hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thi công xuyên ngày đêm. Sản lượng thi công tới nay đã đạt 1.800 tỷ đồng, giá trị phần mua sắm đạt 3.000 tỷ đồng.

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 3.

Nhân lực thi công đua tiến độ tại dự án sân bay Long Thành.

"Đến cuối tháng 3, liên danh nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ phần ngầm, thi công đài trà cọc, sàn hầm và vách hầm, cột tầng trệt… Chúng tôi xác định 2024 là năm bứt tốc, tất cả đều nỗ lực để hoàn thành tiến độ đề ra", ông Evren Isit Bingol nói.

Ghi nhận tại công trường nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, không khí thi công cũng diễn ra nhộn nhịp. Khi thị sát dự án này, Thủ tướng đặt ra mục tiêu: Thay vì hoàn thành vào ngày 19/5 thì phải hoàn thành vào 30/4/2025, dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Bởi theo ông, 50 năm trước đất nước đã có một kỳ tích lịch sử thì 50 năm sau cũng phải có những công trình dấu ấn để lịch sử được trao truyền.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, theo kế hoạch, toàn bộ dự án ga T3 sẽ đưa vào khai thác trong tháng 6/2025. Tuy vậy, từ chỉ đạo của Thủ tướng, chủ đầu tư cùng các nhà thầu phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình vào khai thác dịp 30/4/2025.

Tại công trường thi công gói thầu xây lắp số 3 (XL3) đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP Thủ Đức, đại diện liên danh nhà thầu - Công ty TNHH Tập đoàn Định An cho biết đang duy trì 12 mũi thi công với 152 công nhân và 43 kỹ sư mỗi ngày. Tiến độ hiện vượt kế hoạch đề ra.

Gấp rút gỡ mặt bằng, nguồn vật liệu

Với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ở dự án thành phần 1-2 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, đến nay vẫn bị nghẽn do vướng mặt bằng nên việc triển khai ngoài hiện trường chưa nhiều.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng 6 dự án cao tốc qua miền Trung

Chiều 17/2, tại Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo bộ, ngành, các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về tình hình triển khai 6 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua 3 tỉnh này và dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 4.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các nhà thầu thi công dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tiếp tục nỗ lực vượt khó để 30/4 thông cao tốc đến TP Vinh. Ảnh: Văn Thanh.

Trước đó, Phó thủ tướng đã đến hiện trường kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của chuyến kiểm tra và cuộc làm việc lần này là để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan trong triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia theo tinh thần "khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết".

Phó thủ tướng cho rằng đã có những tiến bộ, chuyển biến tích cực trong triển khai các dự án nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với khí thế trên công trường, Phó thủ tướng nhận định các dự án có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiến độ rất gấp của các dự án.

Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát... tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các dự án theo đúng tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi; ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương; vượt nắng, thắng mưa; làm việc 3 ca, 4 kíp; xuyên lễ, xuyên Tết".

H.Vũ

Ông Đinh Lê Thông, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bày tỏ mong muốn địa phương đẩy nhanh bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai thuận lợi.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đã ra thông báo tìm chủ của 240 khu đất đang vướng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Nếu các chủ đất không phối hợp, sẽ xử lý theo quy định để đảm bảo tiến độ.

Tương tự, trên công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch, đường dẫn hai đầu cầu nối TP.HCM - Đồng Nai (dự án thành phần 1A của dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 - TP.HCM), tận dụng thời tiết nắng ráo, các công nhân vẫn hăng say lao động.

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 5.

Công trường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu máy móc, nhân lực thi công nhộn nhịp.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, gói thầu cầu Nhơn Trạch và đường dẫn đầu TP.HCM đang vượt tiến độ 4 tháng. Đoạn đường dẫn phía Đồng Nai đang được địa phương tích cực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Khó khăn nhất với dự án Vành đai 3 TP.HCM hiện nay là nguồn vật liệu. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, toàn dự án cần 9,3 triệu m3 cát san lấp. Năm 2024 cần 6,4 triệu m3 cát, trong đó TP.HCM cần 4,7 triệu m3.

Ông Phúc kiến nghị, nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã được cấp phép thi công các dự án cao tốc nên được sử dụng linh hoạt cung cấp cho dự án Vành đai 3. Các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp hỗ trợ sớm cấp phép mỏ vật liệu cát đắp (cấp mới và gia hạn) trên địa bàn.

Ghi nhận tại dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nhà thầu cũng đã bổ sung thêm nhân lực để đào đến đâu, ép cọc cừ ngay đến đó. Trong vòng 30-45 ngày kể từ sau khi đóng nút giao sẽ thi công xong một cầu tạm vượt tuyến để giải tỏa lưu lượng các phương tiện, chống ùn ứ.

Cao tốc Bắc - Nam đua về đích sớm

Không chỉ những dự án trọng điểm ở phía Nam, hàng loạt các dự án giao thông lớn khác cũng đang tăng tốc ngay từ những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết. Tinh thần "vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp" tiếp tục được đẩy cao trên khắp các công trường.

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 6.

Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã hoàn thành 50% khối lượng phần thô, dự kiến lắp đặt mái vào tháng 5.

Ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, hiện 49 mũi thi công tại công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang vẫn đang triển khai "3 ca, 4 kíp". Sau khoảng 1 năm thi công, sản lượng đến nay đạt gần 40% giá trị hợp đồng, vượt 5% so với kế hoạch. Mục tiêu đặt ra là đưa dự án về đích vào tháng 6/2025, rút ngắn 6 tháng so với hợp đồng.

Theo lãnh đạo Ban QLDA 7, các nhà thầu đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phấn đấu trong năm 2024 sẽ hoàn thiện thi công nền đường, cơ bản hoàn thành hạng mục cầu và đạt khoảng 60-70% khối lượng bê tông nhựa lớp 1. Riêng các nhà thầu lớn, có tiến độ thi công tốt như: Sơn Hải, Lizen, chủ đầu tư đã yêu cầu hoàn thiện nền đường đến đâu, thi công móng mặt đường, bê tông nhựa và hệ thống ATGT đến đó.

Nút thắt lớn nhất hiện nay là còn khoảng 41 vị trí công trình thiết yếu, 5 đường điện 110kV, 11 đường điện 220kV chưa được di chuyển. Nếu các vị trí này được xử lý trong quý I/2024, dự án sẽ có thể đáp ứng được mục tiêu rút ngắn thời gian về đích như dự kiến.

Gặp không ít khó khăn trong mùa mưa lũ năm 2023, song dự án Hàm Nghi - Vũng Áng cũng là một trong những dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu về đích trước thời hạn khoảng 5-6 tháng.

Đại diện ban điều hành dự án cho biết, ngay sau Tết, 52 mũi thi công trên toàn dự án đã được huy động tăng tốc các hạng mục. Tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục cầu (40 cầu) trên tuyến đang có giá trị thực hiện cao nhất, đạt khoảng 55%.

Trong năm 2024, sản lượng thi công phấn đấu đạt tối thiểu 65% giá trị hợp đồng, 40 cầu trên tuyến sẽ được cơ bản hoàn thành.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, chủ đầu tư một số dự án thành phần khác thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng đang chỉ đạo nhà thầu căn cứ điều kiện thực tế, xây dựng lại kế hoạch thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ so với hợp đồng từ 1-5 tháng.

Sản lượng tốt mới đảm bảo tiến độ giải ngân

Đánh giá mặt bằng đang là một trong những thách thức của các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho rằng, các chủ đầu tư cần làm việc, đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.

Dự án giao thông tăng tốc ngay đầu năm- Ảnh 7.

Công nhân thi công lồng thép đúc trụ cầu trên công trường Vành đai 3, TP.HCM.

Riêng công tác triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật, chủ yếu là đường điện cao thế liên quan đến nhiều bộ, ngành, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên thực hiện trước các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thi công, nhất là các vị trí xây dựng cầu.

Theo vị đại diện, năm 2024, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 56.666 tỷ đồng. Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, 2 chiếm phần lớn kế hoạch vốn được giao 34.512 tỷ đồng, chiếm 60%.

Xác định kết quả giải ngân phụ thuộc lớn vào sản lượng thi công ở hiện trường, năm nay, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ đề nghị các chủ đầu tư thường xuyên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện của các nhà thầu và thực hiện điều chuyển ngay khối lượng thi công các nhà thầu chậm.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị thi công, hồ sơ làm đến đâu phải chặt chẽ đến đó.

Mục tiêu đặt ra là hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020; Cơ bản hoàn thành một số tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 để đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ trong năm 2025. Cùng đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện các tuyến các tốc kết nối vùng như cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú…

Thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đang làm cơ quan chủ quản 34 dự án/dự án thành phần thuộc các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành GTVT.

Theo kế hoạch đặt ra, năm 2024, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án; Phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.

Hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.