Vừa thi công, vừa phòng dịch
Chiều 6/4, tại công trường thi công cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội), theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hàng trăm cán bộ, kỹ sư và công nhân của các nhà thầu đang hối hả thi công.
Tại gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế, khoảng 200 công nhân của nhà thầu Cienco4 được chia thành nhiều tốp nhỏ, trong các bộ quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang bịt kín đang lắp đặt giàn thép để thi công bản mặt cầu, tường chắn…
Ông Thái Bình Dương, Phó giám đốc phụ trách An toàn lao động, Ban Điều hành gói thầu số 1 (Cienco4 - Sumitomo) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), những ngày vừa qua, nhịp độ xây dựng trên công trường vẫn diễn ra bình hường, nhà thầu vừa tổ chức thi công vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
“Buổi sáng, toàn bộ công nhân, kỹ sư được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay bằng nước diệt khuẩn trước khi vào công trường. Mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Đặc biệt, để tránh tập trung đông người, chúng tôi bố trí các tốp thi công tối đa không quá 10 người và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m”, ông Dương nói và cho biết, sản lượng thi công của gói thầu 1 Mai Dịch - Cổ Nhuế đến nay đã đạt khoảng 80%, dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2020.
Tại công trường gói thầu CP1a, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, ông Nguyễn Đình Nhuận, Giám đốc Điều phối gói thầu cho biết, những ngày qua, nhà thầu tập trung toàn lực vào công tác thi công các hạng mục của nhà ga Bến Thành như: Sàn đáy, sàn trung gian, tường cột…
“Hiện gói thầu CP1a đã đạt tiến độ 67%, đảm bảo kế hoạch đặt ra từ đầu năm, phấn đấu trong năm 2020 đạt 85%”, ông Nhuận nói.
Đại diện Ban QLDA Đường sắt đô thị TP HCM cho biết, gói thầu CP1b (ga Nhà hát Thành phố, ga Ba Son và đường ngầm nối 2 ga), sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 82%. Theo kế hoạch, gói thầu CP1b sẽ đạt tiến độ 90% trong năm 2020.
Tại công trình thi công cầu Thủ Thiêm 2 (TP HCM), đại diện Công ty Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án) cho biết, các nhà thầu vẫn đang bám sát tiến độ.
Đối với hạng mục cầu chính nhịp dây văng, nhà thầu đã hoàn thành kết cấu bê tông dự ứng lực đổ trên đà giáo từ mố cầu S5 đến trụ tháp S2; trụ tháp chính S2 giữa sông đã thi công đạt 10/34 đốt trụ tháp, nhịp dầm thép băng ngang sông Sài Gòn đã thi công được 3/17 đốt và đã căng bó cáp dây văng đầu tiên từ ngày 4/4.
“Các đơn vị đang dồn toàn lực để thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hợp long cầu chính vào tháng 9 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Với dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi những ngày này cũng đang vào giai đoạn nước rút. Tranh thủ thời tiết đang trong giai đoạn nắng ráo, các nhà thầu đã bắt đầu thi công phần cấp phối đá dăm và láng nhựa mặt đường. Lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết, tiến độ dự án đến nay đã đạt trên 82%.
Mặc dù gặp phải một số khó khăn như các tư vấn Hàn Quốc phải cách ly sau thời gian nghỉ phép, một số lao động thời vụ xin nghỉ việc vì lo ngại dịch… nhưng lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết sẽ quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm 2020 như kế hoạch.
Sôi động các dự án cao tốc
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai thi công đồng loạt những vị trí có mặt bằng.
Tại gói thầu xây lắp số 10 (Km 81+500 - Km 94+ 500) qua địa phận TX Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế), các nhà thầu đang triển khai đồng loạt: Đào đất, đắp K95, đúc cống, thi công cọc khoan nhồi của cầu Km88, còn cầu Khải Định gần tuyến tránh Huế đang làm bệ đúc dầm.
Tại gói thầu xây lắp số 9 và số 8 đoạn qua địa phận TX Hương Trà, các vị trí có mặt bằng cũng đang được các nhà thầu triển khai bóc phong hóa, đào “xẻ núi” san nền đường…
Theo các Phòng điều hành dự án thuộc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phụ trách dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, đoạn tuyến chính cao tốc một phần đi sát vào đường tránh Huế, nằm trong hành lang ATGT của Cục QLĐB II quản lý, đang làm thủ tục xin cấp giấy phép để thi công.
Đáng kể, đoạn qua Thừa Thiên - Huế, mặc dù còn gần 20km vướng mặt bằng, mặt bằng xôi đỗ nhưng cơ bản các nhà thầu bám sát tiến độ. Ban QLDA đường HCM cũng đang phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các “điểm nghẽn” mặt bằng.
Tại 2 gói thầu xây lắp số 1 và số 2 đoạn qua tỉnh Quảng Trị, không khí thi công khẩn trương, các công trình cầu cũng đang được triển khai đồng loạt. Đặc biệt, trên đoạn đầu tuyến gói 1, nhà thầu Tổng công ty Thành An - Bộ Quốc phòng với 2 mũi tích cực triển khai thi công ngay từ đầu năm đang là lá cờ đầu tại dự án, riêng tháng 3 vượt tiến độ 135%, lũy kế từ đầu năm đến nay trên 100%.
Bên cạnh nỗ lực thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các Phòng điều hành dự án tại công trường, các nhà thầu cũng tuân thủ chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT cũng như UBND địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19, trang bị nước rửa tay, súc miệng, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, kiểm soát chặt người ra vào công trường. Đặc biệt, trong thời điểm cách ly xã hội, cán bộ công nhân viên chủ yếu làm việc tại công trường, hạn chế đi lại và thực hiện họp giao ban trực tuyến...
Tại dự án trọng điểm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, PV ghi nhận nhà thầu cũng đang tổ chức nhiều mũi thi công trên công trường. Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, Ban điều hành dự án đã quán triệt đến từng công nhân các biện pháp phòng chống dịch. Các nhà thầu đang tập trung thi công tập kết vật liệu cát, đá đến công trường để thi công hạng mục gia tải nền đường.
“Dù gặp đôi chút khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi vẫn đang chỉ đạo các nhà thầu bám tiến độ, thi công 3 ca liên tục để đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020”, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nói.
Đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam dù đang trong quá trình GPMB, chưa triển khai thi công, nhưng các chủ đầu tư vẫn luôn bố trí đội ngũ nhân sự để giải quyết các công việc tại hiện trường.
“Đối với hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết, chúng tôi luôn có nhân sự túc trực tại hiện trường để phối hợp cùng địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh công tác GPMB cho các dự án”, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết.
Không để dự án trọng điểm đình trệ vì dịch Covid-19
Liên quan đến tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quán triệt các cơ quan đơn vị, ban QLDA phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản 3053 ngày 31/3/2020 về việc thực hiện chế độ làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, đối với các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, trọng điểm ngành GTVT như: Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; vành đai 3 trên cao TP Hà Nội đoạn Mai Dịch - Thăng Long…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tham mưu, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Hàng không VN, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có liên quan bố trí hợp lý cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan, hiện trường và tại nhà, đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc.
“Đặc thù của công việc của ban QLDA là phải làm việc nhiều ở hiện trường để chỉ đạo thi công, làm việc với địa phương về công tác GPMB, làm việc tại cơ quan để giải quyết thanh quyết toán, do đó, Giám đốc các ban QLDA phải rà soát, bố trí nhân sự hợp lý để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án cũng như công tác giải ngân, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đình đốn, trì trệ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận