Đường bộ

Dự án hành lang Đông Tây mới của Hà Nam được rót thêm hàng trăm tỷ đồng

02/06/2024, 07:00

Tỉnh Hà Nam vừa chấp thuận đầu tư thêm 350 tỷ đồng cho dự án đường hành lang Đông Tây mới của tỉnh này. Việc rót thêm vốn đã nâng tổng mức đầu tư dự án từ 3.600 tỷ đồng lên thành 3.750 tỷ đồng.

Rót thêm tiền để đón đầu cơ hội

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết: Tỉnh đã quyết định đầu tư thêm 350 tỷ đồng để mở rộng nền đường và đồng bộ hạ tầng của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình. 

Dự án cũng kết nối 2 di tích Quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Dự án này vẫn được gọi là trục hành lang Đông Tây mới của tỉnh.

Dự án hành lang Đông Tây mới của Hà Nam được rót thêm hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 1.

Đường hành lang Đông Tây mới của tỉnh Hà Nam cắt qua cao tốc Bắc - Nam ở nút giao Liêm Sơn sẽ mở cơ hội mới cho các địa phương.

"Tuy đầu tư thêm 350 tỷ đồng nhưng tổng mức đầu tư dự án chỉ tăng thêm 150 tỷ đồng. Lý do là quá trình giải phóng mặt bằng, thi công đã tiết kiệm được 110 tỷ đồng. Với 350 tỷ đồng rót thêm, chúng tôi sẽ thu hẹp dải phân cách để mở rộng nền đường tuyến chính, đoạn 18km từ nút giao QL1A lên QL21B. 

Nền đường sau mở rộng sẽ nâng từ 2 làn mỗi bên 7,5m lên thành 10,5m mỗi bên. Ngoài ra, xây dựng thêm hệ thống đường gom 2 bên ở đoạn 8km từ nút giao QL1A tới nút giao cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (nút giao Liêm Sơn)", ông Thắng cho hay.

Dự án hành lang Đông Tây mới của Hà Nam được rót thêm hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 2.

Chưa có đường gom, người dân đi ngược chiều trên tuyến chính gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, việc đầu tư thêm này được thực hiện dựa trên đề nghị của các địa phương. 

Hiện tại, dọc 2 bên tuyến đường, các huyện, thị đã quy hoạch xây dựng rất nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và bệnh viện lão khoa. Nên nếu không có đường gom kết nối, người dân sẽ phải đi vòng rất xa vì theo thiết kế, 8km chỉ có 4 điểm mở dải phân cách. 

Bên cạnh đó, qua các dịp lễ, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân, thấy rằng lượng du khách về tham quan du lịch ở đây tăng đột biến, có lúc quá tải cho nên khi mở rộng và làm hệ thống đường gom có vỉa hè, cây xanh sẽ tạo nên diện mạo mới cho tuyến đường đã được tỉnh hoạch định là trục đường phục vụ du lịch.

Một lý do cấp thiết nữa để đầu tư mở rộng đường sớm hơn dự kiến chính là để đón đầu cơ hội khi mà chỉ còn hơn một năm nữa nút giao cao tốc ở Liêm Sơn được mở. Chắc chắn lưu lượng phương tiện đổ về khu vực sẽ tăng cao.

Dự án hành lang Đông Tây mới của Hà Nam được rót thêm hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 3.

Với 350 tỷ đồng rót thêm, tuyến đường sẽ được đầu tư một cách đồng bộ thay vì phân kỳ theo giai đoạn như hiện nay.

Mặt bằng thông, nhà thầu tăng tốc

Những ngày cuối tháng 5, thời tiết ở Hà Nam trở nên ngột ngạt hơn khi liên tục đón nhận những đợt nắng nóng kéo dài. 

Mặc dù gặp phải điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng trên công trường đường hành lang Đông Tây vẫn không lúc nào ngơi tiếng máy. Không khí làm việc hối hả, nhộn nhịp khiến chúng tôi có cảm giác mọi người còn đang "nóng" hơn thời tiết.

Kỹ sư Phạm Văn Đức, phụ trách kỹ thuật thi công trên công trường của nhà thầu Xuân Thành cho biết: Phần đường tuyến chính theo thiết kế của giai đoạn 1, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Sau đó tạm dừng để điều chỉnh dự án. 

Hơn một tuần nay, chúng tôi lại bố trí phương tiện thiết bị để thi công mở rộng mặt đường tuyến chính, đồng thời làm hệ thống đường gom hai bên.

Dự án hành lang Đông Tây mới của Hà Nam được rót thêm hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 4.

Các nhà thầu huy động lượng lớn máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Hợp đồng cuối năm 2025 mới kết thúc, nhưng tỉnh đã chỉ đạo và công ty đặt quyết tâm sẽ thi công xong toàn bộ phần mở rộng cũng như hệ thống đường gom trong năm nay. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, đơn vị đã huy động tổng lực với: 24 thiết bị lu, xúc, ủi, cùng gần 100 xe vận chuyển. 

Trên công trường hiện chúng tôi bố trí 3 mũi thi công đồng thời gồm: bóc đất hữu cơ thu hẹp dải phân cách giữa, làm nền đường gom và hệ thống cống, rãnh. 

Vật tư, vật liệu như cấp phối đá dăm (base A, base B) đã được tập kết đủ, dây chuyền thảm, trạm trộn bê tông nhựa luôn sẵn sàng trong nhà máy. Giờ chỉ trông chờ thời tiết ủng hộ nữa là chúng tôi sẽ về đích đúng hẹn.

Ở nút giao Liêm Sơn, vị trí được xem là đường găng của dự án, kỹ sư Trịnh Văn Luận cho biết: Ngày 20/5, huyện bàn giao những mét mặt bằng cuối cùng, chúng tôi đã cho đào bóc và đắp nền ngay. 

Hiện 2 mũi làm đồng thời 3 ca liên tục, mục tiêu tháng 11 này xong trước hệ thống đường gom. Sau đó, sẽ cắt chuyển phân luồng phương tiện cao tốc và làm cầu vượt. 

Dự án hành lang Đông Tây mới của Hà Nam được rót thêm hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, giới thiệu về các khu công nghiệp, khu đô thị đã được quy hoạch, bám theo tuyến đường đang xây dựng.

Đối với các đoạn còn lại, nhà thầu Vinaconex đã thi công đào đắp nền được 9,5/14,6km, sản lượng đạt 200 tỷ đồng, tương đương 35%; nhà thầu Đại Phong đã đắp nền được 9,5/10,2km, sản lượng đạt 290 tỷ, tương đương 40%.

Ông Thắng cho biết: Các nhà thầu đều đang rất nỗ lực, bám sát tiến độ mà tỉnh và ban giao. Nếu mặt bằng được bàn giao đúng kế hoạch, chúng tôi tự tin có thể đưa dự án về đích trong tháng 9/2025. Đây sẽ là một trong các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XXI.

Về mặt bằng, theo ông Thắng, huyện Thanh Liêm đã bàn giao xong vào ngày 20/5. Huyện Bình Lục còn vướng 59 hộ thuộc phạm vi 400m nút giao đường sắt và đường tỉnh 496. Căng nhất vẫn là huyện Lý Nhân với 187 hộ phải tái định cư. Hiện tỉnh đã chỉ đạo và các huyện phấn đấu bàn giao mặt bằng xong trước 30/7.

Trục hành lang Đông Tây mới có điểm đầu là nút giao quốc lộ 1A tại xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm). Từ nút giao này đi về phía Tây là các mỏ khoáng sản, cụm các nhà máy xi măng lớn của Hà Nam như: Thành Thắng, Hoàng Long, Xuân Thành, The Vissai và có thể đi sang tỉnh Hòa Bình.

Còn từ nút giao đi về phía Đông, tuyến đường sẽ đi qua khu vực đang phát triển của các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân. Đường sẽ có nút giao với cao tốc Bắc Nam đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình tại xã Liêm Sơn; có đường kết nối vào 2 điểm du lịch tâm linh đang hút khách bậc nhất của khu vực các tỉnh phía Bắc là Chùa Địa Tạng và chùa Cây Thị. Ngoài ra, tuyến đường còn kết nối với khu công nghiệp Trung Thành (huyện Ý Yên, Nam Định).

Đi đến điểm cuối tuyến sẽ là điểm kết nối với cầu Thái Hà để sang Thái Bình, hoặc qua cầu Hưng Hà để sang Hưng Yên kết nối với đường nối 2 cao tốc để đi Hải Dương, Hải Phòng.

Phải nói rằng, đây là trục đường hành lang đón đầu tương lai đầy chiến lược của tỉnh Hà Nam. Khi tuyến đường hoàn thành ngoài việc chia lửa cho tuyến đường nối 2 cao tốc vừa nâng cấp đã mãn tải, vừa tạo ra một trục giao thương mới vô cùng thuận tiện của vùng tứ giác Hà Hưng Nam Thái (Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.