Ngày 17/10, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tại cuộc họp nghe Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn TEDI báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư theo phương thức PPP và giao UBND tỉnh Quảng Trị làm Cơ quan có thẩm quyền.
Sau đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị về việc xin đầu tư Dự án này, cam kết tự bỏ kinh phí để cùng với tỉnh Quảng Trị thực hiện các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, QL9 - Hành lang kinh tế Đông Tây là hành lang quan trọng của khu vực và của tỉnh Quảng Trị, kết nối các trục dọc quốc gia với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cảng biển khu vực. Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo là dự án quan trọng đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ xác định đầu tư trước năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã thống nhất với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị giao nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thi công các công trình giao thông lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định của pháp luật.
Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận, đánh giá cao nghiên cứu của Tập đoàn Sơn Hải và tư vấn TEDI trong thời gian ngắn đã đưa ra các phương án đề xuất đầu tư xây dựng, hướng tuyến, đánh giá ưu nhược điểm, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các tác động liên quan của từng phương án.
Điểm đầu tuyến tại nút giao tỉnh lộ 579 với cao tốc Cam Lộ - La Sơn phù hợp với thiết kế nút giao cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn đã được Bộ GTVT phê duyệt, định hướng phát triển phía nam của tỉnh và góp phần phát triển huyện Triệu Phong. Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối của dự án.
"Tuy nhiên, hiện nay phương án đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP là 70% (vượt quá 50% theo quy định), cần phải được Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện", nội dung văn bản nêu rõ.
Vì vậy, để có cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị cho chủ trương, sớm hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án, Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị giao Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn TEDI, các Sở, ngành thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, hiện nay dự án cảng Mỹ Thủy đang được UBND tỉnh đôn đốc nhà đầu tư triển khai, dự kiến thi công trong năm 2023, đưa 2 bến vào hoạt động trong năm 2025.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị nhà đầu tư Tập đoàn Sơn Hải lập đề xuất dự án, tư vấn TEDI làm rõ kịch bản vận tải, lưu lượng vận tải để tính toán phương án tài chính; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, tính toán, dự báo nguồn hàng hóa từ Lào về cảng Mỹ Thủy sau khi cảng Mỹ Thủy được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác.
Yêu cầu nhà đầu tư lập đề xuất dự án chỉ đạo tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành như: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án; kịch bản tăng trưởng hàng hóa ở mức cao; phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang hạn chế 17m, đầu tư trước một hầm, cầu cạn và một số hạng mục công trình khác (nếu có)... để đảm bảo phương án tài chính theo quy định của pháp luật, tính khả thi dự án.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các thành viên tham dự tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất Ban cán sự Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 10/2023.
Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh tiếp tục rà soát, nghiên cứu, phản biện đưa ra phương án tối ưu nhất để nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án; có văn bản tham gia ý kiến trước ngày 21/10.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ thêm phương án khai thác quỹ đất dọc 2 bên dự án.
Tại cuộc họp với Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói trên, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2027 với tổng kinh phí khoảng 14.503 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại vị trí cầu vượt đường tỉnh lộ 579 thuộc huyện Triệu Phong, điểm cuối tại cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) với chiều dài nghiên cứu khoảng 56km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận