Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau về tình hình trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022 (tính từ ngày 1 - 4/9/2022), tổng lượng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích là: 53.182 lượt khách (khách lưu trú 11.155 và khách tham quan 41.395).
Trong đó, khu du lịch (KDL) Quốc gia Mũi Cà Mau thu hút 10.244 lượt khách. Hòn Đá Bạc thu hút 8.774 lượt khách, điểm du lịch sinh thái Hương Tràm thu hút 5.272 lượt khách và nơi thu hút ít khác tham quan nhất là các điểm di tích với 495 lượt khách.
Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Các khu, điểm du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo an toàn khách đến tham quan, giải trí. Giá cả dịch vụ bình ổn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tình trạng chèo kéo khách du lịch.
Đặc biệt, các điểm du lịch, doanh nghiệp hoạt động du lịch đều triển khai thực hiện tốt các quy định thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý tại KDL Quốc gia mũi Cà Mau, nhiều du khách biết đến nơi này, bởi đây là khu vực vùng lõi rừng, với diện tích khoảng 20.100ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100ha.
Điểm nhấn của KDL Quốc gia Mũi Cà Mau nằm ở khu vực Mũi Cà Mau - điểm đất liền duy nhất ở Việt Nam có thể ngắm được mặt trời mọc và lặn trên biển, là nơi hấp dẫn du khách.
Ngày nay, khi đến với mũi Cà Mau, du khách không chỉ được tham quan mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001; cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, km 2436; bờ kè chắn sóng; biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi; cua Cà Mau; Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ…
Tại đây, du khách có thể thưởng thức vẻ đẹp của tự nhiên của rừng ngập mặn ở vùng Đất Mũi và các món ăn mang đặc sản của rừng, của biển như: ốc len, cá, vọp, cua, ghẹ, hàu, cá thòi lòi, mắm ba khía… Đồng thời, thưởng thức loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đặc biệt hơn hết là du khách được tham quan cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau, công trình mang ý nghĩa dấu ấn lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau.
Đồng thời, đây cũng là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dải đất thân thương hình chữ “S” hướng ra biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong khuôn viên công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau còn có Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ hướng về biển Đông. Đây được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và là một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, với vị trí địa lý đắc địa, sản vật từ rừng, từ biển phong phú, đa dạng, KDL Quốc gia Mũi Cà Mau được xác định là 1 trong 5 khu du lịch Quốc gia của vùng ĐBSCL.
“Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mũi Cà Mau được xác định là 1 trong 47 địa điểm có tiềm năng trở thành khu du lịch Quốc gia”, ông Hùng thông tin thêm.
Một số hình ảnh của KDL Quốc gia Mũi Cà Mau:
Cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, Km 2436 nhìn từ cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.
Cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau.
Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ nhìn từ Cột cờ Hà Nội.
Du khách chụp ảnh khu vực cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau.
Những ngày lễ, Tết khu vực bãi giữ xe Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau chật kín xe.
Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau.
Du khách thích thú chụp ảnh bên biểu tượng con cua Cà Mau.
Biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi.
Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 là nơi nhiều du khách muốn đến để "check in" trong hành trình khám phá Đất Mũi Cà Mau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận