Sau thời gian tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã mở cửa, phục vụ khách tham quan trở lại từ ngày 14/10.
Biết Bảo tàng mở cửa, Chu Khánh Loan, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã rủ các bạn cùng đến đây tham quan.
"Những hiện vật được trưng bày ở bảo tàng không chỉ giúp em có thêm tư liệu phục vụ cho bài tập cuối môn mà còn mang nhiều giá trị lịch sử. Đây cũng là cơ hội để cả nhóm gặp lại nhau, cùng trao đổi trực tiếp sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội", Khánh Loan chia sẻ
Còn với anh Nguyễn Gia Hiển (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: "Thay vì đi chơi, việc tham quan bảo tàng cũng là một trải nghiệm mới, bổ ích. Hôm nay, tôi sẽ cố gắng đi hết một vòng để có cái nhìn tổng quan về các thời kỳ trong suốt chiều dài lịch sử".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, tiêu chí đầu tiên sau khi mở cửa trở lại vẫn là đảm bảo phòng chống dịch. Đối với đoàn khách đông, bảo tàng sẽ chia thành các nhóm nhỏ, tối đa 10 người.
"Mới đây, bảo tàng đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist khai trương tour bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" đi qua 3 công trình tiêu biểu: Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn và Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ). Ngay trong ngày đầu tiên đã có 6 đoàn khách đăng ký và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sau thời gian dài không được đi du lịch, ai cũng hào hứng khi được đi bộ qua những góc phố cổ kính, khám phá và hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử của các công trình này", bà Thủy cho hay.
Trong dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đưa ra ứng dụng thuyết minh tự động với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Hàn Quốc (giai đoạn 1). Qua hình thức quét mã QR bằng điện thoại thông minh có kết nối internet, du khách có thể trải nghiệm, khám phá hơn 90 điểm tham quan tương ứng với các nội dung, hiện vật, bảo vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nội dung thuyết minh tự động bao gồm các bản giới thiệu và được phân chia thành các nhóm thông tin phù hợp với thời gian tham quan của khách (60 phút, 120 phút, 180 phút).
Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, việc chuẩn bị mở cửa trở lại cũng gắn với rất nhiều điều kiện phòng dịch.
Theo Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, hiện đơn vị đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên, người lao động và khách tham quan. Cụ thể, thực hiện các biện pháp phòng dịch như: Phun khử khuẩn toàn bộ di tích; Trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tự động; Dán mã QR code tại các vị trí thuận tiện để thực hiện khai báo y tế, đảm bảo giãn cách; Đặt biển chỉ dẫn khách thực hiện quy trình tham quan theo vạch kẻ...
Nhân viên di tích đang gấp rút hoàn tất các công việc để sẵn sàng đón khách trở lại.
"Di tích đã ra mắt công chúng chuyên đề "Sắt - Son" nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua truyền thông trên fanpage và đăng tải nội dung trưng bày lên nền tảng phát thanh trực tuyến Spotify. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hoàn thiện kịch bản chương trình "Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa"; Phục vụ khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm mới mang tên "Du hành lịch sử 4.0"; Chuẩn bị mọi điều kiện ra mắt trưng bày "Lời thề quyết tử" nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam...", đại diện Ban quản lý di tích thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận