Doanh thu thấp, khó “gồng” lãi vay
Đầu tháng 9, trong vai người có nhu cầu môi giới khách sạn cho người quen, PV được chị P, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng giới thiệu với khách sạn 4 sao trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà).
Thị trường du lịch chưa phục hồi hoàn toàn khiến nhiều khách sạn tại Đà Nẵng vắng khách
Khách sạn này có quy mô 17 tầng, gần 70 phòng, có hệ thống hồ bơi với mức đầu tư cả trăm tỷ đồng. Theo chị P, khách sạn có giấy tờ đầy đủ nhưng đang thế chấp tại ngân hàng. Nếu khách xác định mua thì bắt đầu thương lượng, tiến hành các thủ tục.
"Thanh lọc" thị trường
Theo ông Đinh Văn Hoàng, Công ty H&H Land, đây cũng là thời điểm để “thanh lọc” của thị trường khách sạn tại Đà Nẵng. Những công ty, doanh nghiệp có tiềm lực thật sự sẽ tồn tài, vượt qua giai đoạn khó khăn, còn những đơn vị đang đứng bên bờ vực sẽ khó vượt qua thách thức.
“Công suất phòng khá thấp khiến chủ khách sạn không gồng gánh nổi khi lãi vay quá cao”, chị P nói và cho biết, chị đang nhận rao bán cho khá nhiều khách sạn.
Tương tự, một khách sạn gần khu vực biển Mỹ Khê cũng đang được chào bán với giá hơn 180 tỷ đồng. Nhân viên môi giới cho biết, chủ khách sạn này đang ở Mỹ, khách sạn tạm dừng hoạt động nên ký gửi cho công ty môi giới ở Việt Nam rao bán.
Ghi nhận của PV, so với thời điểm đầu năm 2021, loạt khách sạn 3, 4 sao tại Đà Nẵng vẫn rao bán khá nhiều, không thua gì thời điểm dịch Covid-19 còn phức tạp.
Anh H, nhân viên một công ty môi giới BĐS tại Đà Nẵng cho biết, phía công ty đang nhận ký gửi, rao bán hàng chục khách sạn lớn nhỏ tại Đà Nẵng và TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam), trong đó chủ yếu là tại khu vực ven biển Đà Nẵng.
Theo anh H, hiện nay các chủ khách sạn không tự rao bán mà thông qua các sàn giao dịch, môi giới bất động sản. Anh H, giải thích, khách sạn vẫn đang cố duy trì trong thời gian chờ bán nên ngại đứng ra giao dịch, sợ bị ép giá.
Trực tiếp dẫn khách xem khách sạn ven biển Đà Nẵng với diện tích 300m2 vừa xây dựng cách đây 4 năm với 15 phòng và 6 căn hộ, anh H cho biết, khách sạn này đang được chào bán giá 40 tỷ đồng.
Hàng loạt khách sạn được rao bán trên các trang mạng chuyên về bất động sản
Quản lý khách sạn này thông tin, dù vị trí đẹp, giá buồng phòng giảm khá sâu (chỉ 350-450 nghìn đồng/ngày, đêm) nhưng công suất khai thác chỉ khoảng 30%. Chủ đang cố duy trì khách sạn, giảm số lượng nhân viên trong thời gian chờ bán.
Khó khăn dài khi thị trường du lịch chưa ổn định
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản Đà Nẵng, thị trường BĐS nói chung đang gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng mạnh. Cạnh đó còn do thiếu hụt nguồn cung vì nhiều địa phương đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể.
Ông Lập nhìn nhận, riêng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng còn phải chịu thêm sự tác động trực tiếp từ sự phục hồi yếu ớt của ngành du lịch.
“Du lịch Đà Nẵng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn khi lượng khách đến thành phố còn thấp so với thời điểm trước năm 2019. Thêm nữa, miền Trung đang vào mùa mưa, mùa thấp điểm du lịch”, ông Lập nhận định.
Ông Lập cho biết thêm, việc thiếu hụt dòng tiền thanh toán chi phí lãi vay do doanh thu bấp bênh, thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ suy giảm nên sẽ tiếp tục thêm khó khăn cho dòng sản phẩm này.
Theo ông Đinh Văn Hoàng, Công ty H&H Land, thị trường khách sạn Đà Nẵng sẽ còn khó khăn, muốn đạt được như thời điểm trước 2019 cần ít nhất 2 năm nữa, tức là đến năm 2024.
Ông Hoàng cho rằng, việc nhiều khách sạn tại Đà Nẵng rao bán hiện nay có 3 nguyên nhân là cung vượt quá cầu, số lượng du khách (nhất là khách nước ngoài) quá hạn chế và các khách sạn hoạt động chủ yếu dựa vào ngân hàng.
“Số lượng khách sạn, buồng phòng nhiều hơn nhu cầu lưu trú thực. Nguồn khách Hàn Quốc có nhưng chưa nhiều, khách Trung Quốc thì gần như trắng. Các khách sạn dựa vào ngân hàng là chính. Do đó, khi nguồn thu không đủ chi thì lấy đâu ra trả lãi, nên bắt buộc phải bán”, ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, nhìn nhận thực tế thì hệ thống khách sạn tại Đà Nẵng gặp khó ngay từ tháng 3/2022, thời điểm mở cửa du lịch chứ không phải đến bây giờ. Nếu đóng cửa luôn sẽ khác, nhưng một khi đã mở cửa thì phải hoạt động. Hoạt động theo kiểu cầm chừng thì càng hoạt động sẽ càng lún vào thua lỗ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận