GS. Đào Trọng Thi |
Đó là quan điểm được GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đưa ra trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh những điểm mới của Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày mai (5/4).
Nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của báo chí
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan thẩm tra, ông có thể cho biết đâu là điểm mới mang tính đột phá trong dự thảo luật lần này?
Theo tinh thần của Hiến pháp 2013, Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) đã coi quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là quyền của con người, được Hiến pháp quy định, được Nhà nước bảo hộ mạnh mẽ. Tôi cho rằng đây là bước tiến lớn đáng ghi nhận nhất so với luật hiện hành. Tức là chúng ta đã rạch ròi, mạnh mẽ khẳng định quyền tự do báo chí, để cho quyền này được thực hiện một cách nghiêm minh.
Nếu Luật này được thông qua, trước hết sẽ khẳng định một cách đầy đủ hơn quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, và cũng xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan, của tất cả mọi người đối với hoạt động báo chí. Luật nhấn mạnh đến quyền nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm của Nhà nước là tôn trọng, bảo hộ và tạo điều kiện để báo chí hoạt động tốt. Luật sửa đổi này cũng quy định rõ hơn, cụ thể hơn về những điều cấm trong hoạt động báo chí, tránh tình trạng quy định chung chung rất khó vận dụng, lại dễ bị lạm dụng.
Dự thảo luật cũng quy định một cách cụ thể hơn, đầy đủ hơn về các cơ quan báo chí, những đối tượng được thành lập cơ quan báo chí. Lần này chúng ta mở rộng ngoài các cơ quan Nhà nước, cơ quan của các tổ chức chính trị, xã hội thì cho phép một số cơ quan về học thuật thành lập cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ sở tư nhân, nhưng cái đó chỉ nằm trong khuôn khổ các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan giáo dục, nằm trong phạm vi phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đó, họ có thể ra tạp chí để công bố các kết quả nghiên cứu.
Luật coi quyền tự do báo chí là quyền tự do của con người, bởi vậy, theo đúng nguyên tắc, việc hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí chỉ có thể được quy định bởi luật. Trước đây chúng ta quy định nội dung này trong cả các văn bản dưới luật, thậm chí văn bản của các cấp thấp cũng có thể hạn chế quyền tự do báo chí thì hiện nay điều này đã không còn. Không những thế, chỉ được hạn chế báo chí trong một số trường hợp cần thiết với những lý do cụ thể về quốc phòng an ninh, về trật tự an toàn xã hội, về đạo đức xã hội và về sức khoẻ cộng đồng. Như vậy, khi hạn chế báo chí thì phải đối chiếu xem có nằm trong 4 trường hợp nêu trên hay không.
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện |
Luật đã có, chỉ cần thực hiện nghiêm
Với những tiến bộ trong Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) mà ông vừa đề cập, khi luật này được thông qua, Nhà nước sẽ được lợi gì? Báo chí sẽ được tạo thuận lợi ra sao?
Nếu Luật báo chí được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống, chắc chắn đó sẽ là một hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí, cho các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực báo chí và thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình trên báo chí. Đối với Nhà nước, chúng ta cũng có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh hơn để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình, đảm bảo sự ổn định xã hội, cũng là tạo điều kiện để báo chí hoạt động, đạt thành quả tốt hơn trong giai đoạn mới.
Một thực tế là thời gian qua có rất nhiều phóng viên, nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp. Vậy cơ chế bảo vệ nhà báo trong dự thảo lần này đã được lưu ý như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ có thể trong cơ chế của chúng ta vẫn còn cái chưa cụ thể, chưa đầy đủ, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là chúng ta chưa thực hành nghiêm minh pháp luật. Quy định của pháp luật đã có rồi, nhưng chúng ta lại không thực hiện, không chủ động thực hiện, không chỉ từ phía người dân mà ngay từ phía những người hoạt động báo chí chưa bảo vệ quyền của mình một cách thật đầy đủ. Ví dụ mình bị xâm phạm quyền khi tác nghiệp, mình có thể kiện, nhưng thực tế tôi thấy rất ít người kiện. Các tổ chức của nhà báo như Hội Nhà báo cũng phải bảo vệ quyền hội viên của mình mạnh mẽ hơn...
Vẫn có ý kiến cho rằng Luật sửa đổi lần này “siết” hoạt động báo chí nhiều hơn là tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, quan điểm của ông thế nào?
Tất nhiên pháp luật khi ban hành lúc nào cũng có đồng thời 2 mục đích: tạo điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực đó được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo yêu cầu để chúng ta thực hiện tốt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đó. Tôi cho rằng quản lý Nhà nước tốt cũng chính là tạo điều kiện để lĩnh vực đó phát triển một cách mạnh mẽ.
Cảm ơn ông!
ĐBQH Lê Như Tiến: Luật báo chí sửa đổi lần này cụ thể hoá, thể chế hoá được Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, trong quá trình hội thảo, cũng còn một số ý kiến băn khoăn cho rằng quyền tự do báo chí phải thể hiện ở quyền tự do ra báo, thành lập báo. Riêng tôi băn khoăn làm sao để Luật báo chí và quy hoạch báo chí được đồng bộ, chứ hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ quan báo chí, như vậy là lãng phí nguồn lực vì nhiều cơ quan báo chí vẫn còn dùng ngân sách nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí cũng trùng lặp thông tin và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh… Tiếc là trong luật lần này chưa làm rõ được việc luật ra thì sẽ thực hiện quy hoạch báo chí thế nào, giảm đầu mối ra sao? Ngoài ra, tôi muốn phải có cơ chế để bảo vệ tốt nhất cho nhà báo khi tác nghiệp. Như vậy, không chỉ Luật báo chí, mà những luật liên quan như Luật xử phạt vi phạm hành chính, Luật Hình sự cũng phải có sửa đổi đồng bộ thì mới có thể tạo cơ chế tốt nhất để bảo vệ nhà báo. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận