Xem - ăn - chơi

Dư vị lạ từ truyện tranh phóng tác lịch sử

20/12/2017, 07:27

Trong mạch ngầm vẫn chảy của truyện tranh Việt Nam, một số họa sĩ đã lựa chọn con đường không hề dễ đi...

29

“Long Thần Tướng” - tác phẩm truyện tranh lịch sử gây sốt trong cộng đồng

Hot truyện tranh phóng tác lịch sử

Nổi bật nhất chắc chắn phải kể tới Long Thần Tướng. Mượn bối cảnh cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bộ đôi tác giả Thành Phong – Khánh Dương đã có sự đổi mới về cốt truyện. Hai tuyến thời gian của năm 1279 và 2014 đan xen, hé lộ hàng loạt bí mật động trời. Độc giả gặp lại những cố nhân Trần Quốc Tuấn, Trần Thái Tông, Trần Ích Tắc, đồng thời khám phá nguyên nhân đế chế Nguyên Mông chinh phục cả Âu Châu lại quỳ rạp trên đất Đại Việt. Trong lần kêu gọi gây quỹ cộng đồng lần đầu năm 2012, kêu gọi bạn đọc đóng góp tiền để xuất bản, quảng cáo (crowdfunding), truyện gây sốt với 330 triệu đồng tiền đóng góp chỉ sau 2 tháng. Tập 1 ra mắt với lượng tiêu thụ trong mơ - 2.000 bản hết trong đợt đầu, nối dài thành tích sang các tập tiếp theo.

"Truyện tranh là một hình thức truyền tải rất tốt lịch sử, ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn. Do đó, quan trọng nằm ở nội dung thông điệp mà các tác giả gửi gắm. Truyện tranh lịch sử không nhất thiết phải bê nguyên xi từ sách vở ra. Cách thể hiện phóng tác mà các họa sĩ trẻ đang làm là rất tốt. Ở Trung Quốc cũng đề cao các tiểu thuyết dã sử, ba phần thực bảy phần hư. Thể hiện lịch sử bằng nghệ thuật thì đừng coi là học, mà hãy coi là một cách thẩm thấu”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bên cạnh sức mua, Long Thần Tướng cũng làm được cả điều chưa một sản phẩm nào làm được: Tạo ra sức hút ở cả các sản phẩm ăn theo như thẻ bài, tượng nhân vật. Đầu tháng 12 năm nay, nhà xuất bản Amok của Tây Ban Nha chính thức mua bản quyền truyện, mở ra con đường chinh phục khán giả quốc tế.

Không khai thác chất liệu lịch sử quân sự, Bổn cô nương không cưới của tác giả Dương Thạch Thảo hướng về những độc giả nữ giới. Truyện đưa người đọc trở về giai đoạn tiền kháng chiến chống quân Đông Hán. Nhân vật chính Trưng Nữ Vương được thể hiện dưới khía cạnh một cô gái trẻ trung, cá tính đang tuổi xuân thì. Truyện đẩy mối quan hệ giữa nữ anh hùng với chồng (Thi Sách) theo khuynh hướng lãng mạn, nhiều màu sắc hiện đại. Hai lần xuất bản, một dưới dạng truyện đơn trong tuyển tập Alpha Comic, một dưới dạng truyện dài trong tuyển tập truyện tranh Comicola, Bổn cô nương không cưới đều đứng đầu danh sách bình chọn yêu thích của độc giả.

Ngoài ra, còn không ít các dự án truyện tranh không chuyên cũng chọn đề tài tìm về lịch sử. Nhiễm Huyết Hoàng Hoa của tác giả Warm-quest tái hiện giai đoạn cuối triều đại Tây Sơn. Truyện gây sốt bởi nhân vật trung tâm – nữ tướng Bùi Thị Xuân được khắc họa theo phong cách giàu tính tự sự, triết lý. Hay Thành Kỳ Ý, dự án từng thu hút 240 triệu đồng gây quỹ cộng đồng, thuật lại những biến cố diễn ra sau đại án Lệ Chi Viên chấn động thời hậu Lê.

Không dễ “ăn tiền” độc giả

Kỳ thực, với phần lớn tác giả khi mượn chất liệu lịch sử để sáng tác truyện tranh là chọn cho mình con đường không hề bằng phẳng. Kịch bản là yếu tố khiến nhiều họa sĩ đau đầu. Thành Phong - đồng tác giả Long Thần Tướng cho hay: “Một đoạn chính sử trong sách vốn rất ngắn ngủi, có khi chỉ vài dòng. Vì vậy, khi sáng tác, họa sĩ buộc phải xây dựng thêm nhiều chi tiết để câu chuyện sống động hơn. Cái khó là làm sao vừa bám sát lịch sử, vừa hấp dẫn mà vẫn hợp lý”. Trên thực tế, ở mảng đề tài này, giới hạn giữa phóng tác và xuyên tạc là vô cùng mong manh.

Bên cạnh đó, việc phục dựng những bối cảnh của hàng trăm năm trước với các họa sĩ nghiệp dư là không hề dễ dàng. Long Thần Tướng gây ấn tượng bởi tái hiện hàng loạt dấu ấn văn hoá triều đại nhà Trần: Từ trang phục, kiến trúc, tục xăm mình và nhuộm răng đen. Song, đó là cả một quá trình tìm kiếm tư liệu “trầy vi tróc vảy” dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Trần Quang Đức (tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ), nhóm tác giả vừa tham khảo vừa tự… tưởng tượng. Dĩ nhiên, vẫn có những sự cố cười ra nước mắt như kiểu Dương Thạch Thảo tạo hình Thi Sách trong Bổn cô nương không cưới: “Giai đoạn mới vẽ, nguồn tư liệu không nhiều. Không ít độc giả thắc mắc những câu hỏi không thể trả lời theo kiểu “Vì sao nhân vật tóc trắng”,”Tại sao trang phục lại giống Trung Quốc đến vậy?”,...

Ngoài ra, đó còn là những yếu tố rào cản như kiểm duyệt và thị trường. Trong lần đầu xuất bản Bổn cô nương không cưới, tác giả Dương Thạch Thảo phải chọn hoặc cắt bỏ phần giới thiệu câu chuyện, hoặc đổi tên nhân vật vì các biên tập viên e ngại việc phóng tác lịch sử. Theo họa sĩ Thành Phong, rào cản kiểm duyệt truyện tranh ở Việt Nam vừa khắt khe, vừa cảm tính khi “đổi nhà xuất bản là kết quả kiểm duyệt lại khác hẳn”.

Khó là vậy, nhưng phóng tác lịch sử vẫn đang là hướng đi hứa hẹn cho những họa sĩ truyện tranh nghiệp dư ở Việt Nam. Vượt qua yếu tố khô khan bên ngoài, truyện tranh lịch sử theo họa sĩ Thành Phong là một thị trường “mới mẻ, với những độc giả trưởng thành”. Dù nhỏ, nhưng miền đất này cho phép các tác giả đào sâu nội dung theo đúng ý đồ nghệ thuật của họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.