Thời điểm lũ dữ tràn về cả thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy cũng như bao làng quê yên bình khác của tỉnh Quảng Bình đang oằn mình chống chọi cơn lũ dữ. Căn nhà cấp 4 thấp tè của gia đình anh Bình nằm chông chênh bên dòng Kiến Giang đục ngầu đang cuồn cuộn chảy về xuôi.
Trong căn nhà cũ kỹ, nước lũ dâng lên gần chạm nóc, 3 người con của bà Dương Thị H (74 tuổi, trú thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ) vừa mất vào sáng hôm 28/10 vì bệnh tật đang thay nhau ngồi canh bên quan tài của mẹ.
Hai chị gái của anh Bình vì thương mẹ nói không thành tiếng, một mình anh Bình cùng những người họ hàng chèo thuyền ngược xuôi trong thôn để mua đồ lo tang sự cho mẹ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Bình cho biết, bố anh mất sớm, mẹ anh bươn chải sớm hôm nuôi 7 chị anh khôn lớn. Khi con cái trưởng thành, phần vì cuộc sống khó khăn bôn ba khắp nơi chưa kịp chăm mẹ tuổi già.
"Mẹ mất trong thời điểm cả làng cả xã đang chống chọi với lũ dữ nên việc lo tang gia cho mẹ rất khó khăn. Bây giờ, chúng tôi chỉ mong sao nước lũ rút sớm để còn an táng mẹ" anh Bình cho biết.
Một người họ hàng của gia đình anh Bình cho biết, hàng xóm láng giềng cũng đến chia buồn cùng gia đình rồi họ cũng ai về nhà đó, thời điểm này ai cũng bận bịu chống lũ.
"Trước ngày cơn lũ về, bà H đã ốm nặng rồi nên con cháu cũng đã sẵn sàng mua sắm các đồ tang lễ cần thiết, chỉ là nước lũ tràn về trong hoàn cảnh này là không ai mong muốn cả", người này nói.
Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cho biết, bà H bệnh nặng và mất đúng thời điểm thiên tai khắc nghiệt ập đến nên quan tài chưa thể an táng, phải kê sát nóc nhà là điều không ai mong muốn.
"Chúng tôi đã đến động viên gia đình, đây là những trường hợp hi hữu nên cũng mong gia đình bớt đau buồn để lo chuyện cho người nhà. Trước đây, vào năm 2020, trên địa bàn cũng có người mất đúng lúc lũ lớn về và cũng phải chờ nước rút", ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, hiện tại ở xã Lộc Thuỷ nước đang rút. Dự kiến, sáng mai (30/10), chính quyền địa phương thuê ca nô, thuyền để hỗ trợ gia đình đưa quan tài của bà H đi an táng.
Ngoài trường hợp gia đình anh Bình trên địa bàn huyện Lệ Thủy cũng có một số gia đình có người thân mất đúng thời điểm lũ dữ tràn về.
Bà V.T.H ở thôn Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy qua đời vào chiều 26/10. Gia đình đã lên kế hoạch tổ chức lễ tang và an táng vào sáng 28/10.
Tuy nhiên, do những ngày qua mưa lớn, huyện Lệ Thủy ngập lụt trên diện rộng nên chưa lo được hậu sự.
Do mưa lũ không thể di chuyển được, gia đình bà H đành phải hoãn việc tổ chức an táng. Căn nhà của gia đình bà H là nhà cấp 4, bị ngập sâu trong nước nên người thân đã đưa quan tài bà H đến nhà người con trai ở vị trí cao hơn, chờ nước rút sẽ tổ chức di quan, an táng.
Đến thời điểm này, tình hình ngập lụt diện rộng tại huyện Lệ Thủy vẫn đang diễn biến phức tạp. Các lực lượng công an, quân đội huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức di dời những hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt sâu, khu vực hạ lưu hồ chứa đến nơi an toàn.
Huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời bắt buộc 99 hộ, 373 nhân khẩu tại các thôn, bản xã Lâm Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy, Kim Thủy, Hoa Thủy; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục di dời các hộ dân vùng thấp trũng (di dời nội bộ từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng) với hơn 8.000 hộ dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận