Phục vụ suất ăn trên tàu Thống Nhất - Ảnh: Thanh Thúy |
Thí điểm trên tàu khách thống nhất SE3/4, SE5/6
Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang tích cực phối hợp với Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đưa suất ăn hàng không lên tàu phục vụ hành khách từ đầu năm 2018.
Theo thông tin của Báo Giao thông, các doanh nghiệp này dự kiến sẽ đưa suất ăn vào trong giá vé và thực hiện thí điểm trên tàu khách Thống Nhất SE3/4, SE5/6. Giá suất ăn về cơ bản sẽ như cơm suất đang bán trên tàu hiện nay, trung bình 35.000 đồng/bữa chính, ngoài ra có bữa phụ.
Không phải bây giờ đường sắt mới thực hiện phương thức này. Khoảng chục năm trở về trước, việc phục vụ cơm hộp (đưa vào giá vé) đã được triển khai rộng rãi trên các mác tàu khách tuyến Bắc - Nam. Ngành Đường sắt lúc đó có riêng nhà xưởng, thiết bị, vật tư để phục vụ ăn uống. Đồ ăn được chế biến tại xưởng. Cơm được nấu trên tàu. Trước khi phục vụ hành khách, nhân viên tổ phục vụ ăn uống sẽ làm nóng thức ăn và chia cơm, thức ăn vào các hộp nhựa.
Suất ăn hàng không lên tàu có những gì? Làm rõ hơn về quy trình thực hiện cũng như vấn đề chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm suất ăn, đại diện Công ty Sasco cho biết, thực đơn món ăn thay đổi mỗi ngày, đa dạng nhiều món và mang nét đặc trưng của ẩm thực địa phương theo từng hành trình. Các suất ăn chay cũng sẽ được phục vụ nếu hành khách yêu cầu. Ngoài ra, suất ăn còn bao gồm trái cây, nước suối và các vật dụng tiện ích đi kèm: Khăn ăn, tăm, muỗng nĩa… Sau khi chế biến, suất ăn sẽ được đóng gói sẵn theo tiêu chuẩn hàng không. Món nóng đóng gói trong hộp lá nhôm tráng nhựa. Trái cây, salad đóng gói trong hộp nhựa có nắp. Các vật đụng khăn ăn, tăm, muỗng nhựa, đũa sử dụng một lần đóng gói bao bì và vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dụng (từ 4-100C) để nhập lên tàu. Trên tàu, thức ăn được giữ trong tủ mát (nhiệt độ trữ 5-100C). Các phần ăn được dán tem nhãn chỉ sử dụng trong ngày và được làm nóng trước khi phục vụ hành khách. Các trang thiết bị giữ mát, xe đẩy thức ăn trên tàu, đặc biệt thiết bị làm nóng thức ăn là thiết bị hiện đại được nhập từ Ý. Phan Tư (Ghi) |
Tuy nhiên, không lâu sau, kế hoạch này đã “chết yểu” do quá nhiều hành khách chê cơm không ngon mà vẫn bị ép ăn, trả tiền. Đến năm 2007, đường sắt quyết định chuyển sang phục vụ cơm suất tự chọn, nấu hoàn toàn trên tàu.
Ý tưởng đưa suất ăn lên tàu đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, ủng hộ có, phản đối cũng không ít.
Một cán bộ đường sắt cho biết, mục tiêu đưa suất ăn vào giá vé hồi đó nhằm chống hàng rong trên tàu, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặt khác, việc này cũng ổn định được doanh thu vì khi tàu xuất phát là biết được có bao nhiêu khách để chuẩn bị sẵn suất ăn đưa lên tàu. Sau này, không thực hiện phương thức này nữa, lãng phí hàng tỉ đồng chi phí đầu tư, chi phí cải tạo toa xe. Rồi phải sắp xếp lại lao động dư ra tại các xưởng chế biến; tổ cung ứng trên tàu đối mặt với cách thức phục vụ mới: Tự nấu ăn, tự chào hàng, bán hàng để đảm bảo mức khoán doanh thu…
“Nếu bây giờ đưa lại suất ăn vào giá vé là rất tốt, vừa chuyên nghiệp vừa kiểm soát được chất lượng. Chỉ có điều, liệu hành khách có đồng tình không, có đội giá vé lên không, trong khi việc giảm giá vé hiện nay với đường sắt đã rất khó khăn do chi phí lớn”, vị này lo ngại.
Cũng ủng hộ đưa suất ăn vào giá vé, ông Phạm Văn Đoan (Bạch Mai, Hà Nội) lại cho rằng, nếu phục vụ suất ăn hàng không đảm bảo chất lượng, vệ sinh thì mức giá 35.000 đồng/suất là chấp nhận được. Cơm nhà tàu bán hiện nay bữa ngon, bữa không, không theo tiêu chuẩn chất lượng, định lượng nào cả. “Mua đồ ăn ở các ga dọc đường thì không yên tâm. Trong khi mang thức ăn từ nhà theo cũng không bảo quản được lâu vì hành trình tàu dài”, ông Đoan chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tính (Kim Liên, Hà Nội) thẳng thắn: “Theo tôi, không nên dùng suất ăn hàng không. Trên trời, tiếp viên hàng không phục vụ gì thì ăn nấy, có được lựa chọn đâu. Còn đi tàu bây giờ, thích mua cơm suất, không thì ăn món khác, nhà tàu cũng bán”, bà Tính nói.
Người trong cuộc nói gì?
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh khẳng định, mục tiêu của việc đưa suất ăn hàng không lên tàu là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đem đến dịch vụ tốt nhất cho hành khách. “Mong muốn của đường sắt là đem chất lượng dịch vụ tốt nhất lên tàu. Tất nhiên, trước mắt mới chỉ thí điểm trên một số đoàn tàu với những hành trình phù hợp, không phải toàn tuyến, toàn bộ các đoàn tàu. Sau một thời gian sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm từ những phản hồi của hành khách ra sao. Nếu thực sự tốt mới nhân rộng”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, không thể vì ngày xưa thất bại một lần mà giờ không làm. Mức sống, nhu cầu, đòi hỏi của người dân tăng lên, chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo. Hơn nữa, việc mua suất ăn của hàng không là để tận dụng được thương hiệu sẵn có, đã được xã hội đón nhận và chứng minh qua thực tiễn.
Về triển khai cụ thể, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, suất ăn hàng không lên tàu được chế biến sẵn tại xưởng, đóng hộp, bao kín hoàn toàn và việc kiểm soát chất lượng cũng như bảo quản theo quy trình chặt chẽ như suất ăn đang cấp lên máy bay. Bản thân công ty cũng có các trạm phục vụ ăn uống ở các ga, tổ phục vụ ăn uống trên tàu tham gia kiểm soát chất lượng suất ăn và công tác bảo quản.
“Các suất ăn được cấp tại các ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Cũng như suất ăn trên máy bay, suất ăn trên tàu chỉ được sử dụng trong vòng 24 giờ, đảm bảo suất ăn luôn mới trong hành trình tàu chạy”, ông Tuấn nói thêm.
Trao đổi về việc liệu đưa suất ăn vào giá vé có gây đội giá, khó hút khách, ông Tuấn khẳng định: “Trong giai đoạn thí điểm sẽ chưa tính suất ăn vào giá vé. Sau này, khi có nhận xét, đánh giá của hành khách cũng như tổng kết việc thực hiện thí điểm này, chúng tôi mới xem xét, cân nhắc việc đưa vào giá vé sao cho hợp lý, khách hàng chấp nhận được. Ngoài ra, bên cạnh suất ăn hàng không, trên tàu vẫn chế biến, phục vụ các món ăn khác, thậm chí cả đặc sản vùng miền nếu hành khách có nhu cầu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận