Thế giới

Đức đứng trước nguy cơ tổ chức bầu cử lại

21/11/2017, 07:10

Đức đứng trước nguy cơ phải tổ chức bầu cử lại sau khi Đảng Tự do dân chủ rút khỏi các cuộc đàm phán...

28

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ đưa đất nước vượt qua khó khăn 

Nước Đức đứng trước nguy cơ phải tổ chức bầu cử lại sau khi Đảng Tự do dân chủ rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới với Đảng Cơ đốc bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel và Đảng Xanh thiên tả hồi đầu tuần này (20/11).

Đảng Tự do Dân chủ rút khỏi liên minh

Sáng cùng ngày, thông báo việc liên minh chính trị không thành, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các đảng đã gần đạt được đồng thuận về cách tiến hành đàm phán liên minh chính thức, nhưng Đảng Tự do dân chủ quyết định phá vỡ và bất ngờ rút khỏi thỏa thuận trước đêm 20/11 (theo giờ địa phương). Bà Merkel khẳng định, dù rất tôn trọng động thái này nhưng rất lấy làm tiếc. Vị nữ Thủ tướng cũng có cuộc tham vấn với Tổng thống Đức trong cùng ngày để thông báo với ông về các cuộc đàm phán cũng như bàn luận về bước đi tiếp theo.

Đảng Cơ đốc bảo thủ của bà Merkel, Liên minh Xã hội Cơ đốc, Đảng Dân chủ tự do và Đảng Xanh thiên tả vốn dùng hết thời hạn chót mà bà Merkel đặt ra vào thứ năm tuần qua, để thông qua điều kiện cơ bản nhằm tổ chức các cuộc đàm phán chính thức về liên minh 4 đảng - một cơ cấu chính trị cấp quốc gia mà Đức chưa bao giờ chứng kiến.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, dù liên minh Đảng Bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel chiến thắng, là đảng mạnh nhất trong Quốc hội (Bundestag) nhưng lại nhận kết quả tồi tệ nhất trong 70 năm qua (khoảng 32,5% trên tổng số phiếu thu về). Trong khi đó, đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” (AFD) lần đầu tiên bước vào Quốc hội Đức với 13,5% số phiếu (tương đương 87 ghế). Kết quả này cũng đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội Đức chứng kiến sự trở lại của một đảng cực hữu mang tư tưởng Phát xít gây nhiều quan ngại kể từ sau Thế chiến 2. Do đó, “bà đầm thép nước Đức” đối mặt với nhiều thách thức trước việc thành lập liên minh cầm quyền để điều hành đất nước.

Vấn đề khó khăn khiến các đảng trong chính trường Đức không đạt được sự đồng thuận, dẫn đến việc khó thành lập liên minh chủ yếu xoay quanh lập trường về hiện tượng biến đổi khí hậu và kiểm soát nhập cư.

Đảng Xanh thiên tả đang thúc đẩy Đức chấm dứt việc sử dụng than và động cơ đốt trong đến năm 2030, dù họ có những dấu hiệu cho thấy họ khá mở đối với một số điều kiện thỏa hiệp. Các đảng khác cũng cam kết sẽ giảm lượng khí thải carbon nhưng khối liên minh của bà Merkel chưa đưa ra thời hạn cụ thể để “khai tử” việc sử dụng than. Đảng Dân chủ tự do cũng bày tỏ lo ngại rằng những động thái này đồng nghĩa công việc cho người dân Đức, sự cạnh tranh kinh tế của quốc gia đứng đầu châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.

Về vấn đề nhập cư, Liên minh Xã hội Cơ đốc muốn đặt ra định mức trần thường niên về số người nhập cư trong khi Đảng Xanh thiên tả muốn chính quyền Đức tiếp nhận thêm nhiều người nhập cư để chiếm cảm tình, thu nạp những người thân cận đồng quan điểm nhập vào đảng của họ.

Giải thích về lý do rút lại thỏa thuận, lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Christian Lindner cho biết, đảng này đưa ra quyết định vì không muốn cam kết với những nguyên tắc và chính sách mà phe của họ không đồng thuận. “Thà không cầm quyền còn hơn là cầm quyền với những tính toán sai lầm”, ông nói.

Chính trị gia Đảng Xanh thiên tả - ông Reinhard Buetikofer thì chỉ trích quyết định của ông Lindner qua một bình luận trên Twitter rằng, “Đảng Dân chủ tự do đã chọn cách suy nghĩ theo kiểu dân túy chứ không phải trách nhiệm chính trị”.

Nguy cơ phải tổ chức bầu cử lại

Nếu không thể đưa Đảng Dân chủ tự do quay trở lại bàn đàm phán, bà Merkel buộc phải thử tìm liên minh với Đảng Dân chủ xã hội hoặc bà có thể phải hình thành một chính phủ thiểu số. Nếu cả hai phương án đều không thành, Đức sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử lại. “Tôi sẽ nỗ lực hết sức có thể để đảm bảo đất nước vượt qua những tuần khó khăn này”, bà Merkel nói.

Trong trường hợp Đức bắt buộc phải tiến hành cuộc bầu cử lại, một số khảo sát hiện nay cho thấy, kết quả bầu cử sẽ tạo ra một Quốc hội không khác mấy so với hiện nay và càng làm nỗ lực thành lập một chính phủ mới thêm khó khăn.

Mặc dù bà Merkel có thể bỏ hợp tác với Đảng Dân chủ tự do và Đảng Xanh thiên tả, thành lập một liên minh với Đảng Dân chủ xã hội nhưng đảng này đã kiên quyết đi theo đường lối đối lập sau kết quả đáng buồn trong cuộc bầu cử Đức ngày 24/9 vừa qua.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Martin Schulz mới đây cũng loại bỏ khả năng sẽ tham gia vào liên minh của bà Merkel trong việc thành lập chính phủ liên minh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.