Cuộc họp Bộ Chính trị cuối tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quay sang nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”.
Thủ tướng khẳng định “đã chuẩn bị sẵn sàng, kể cả tình huống xấu nhất”. Sau câu nói này, cả đất nước chính thức bước vào 'thời chiến', cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài "toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19".
Lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước khiến chúng ta nhớ lại 2 lần kêu gọi toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù các cuộc chiến này cách nhau cả thế kỷ và khác nhau về kẻ địch, nhưng chúng ta hiểu rằng, đất nước đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ cam go.
Đáp lại lời hiệu triệu, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược; từ người già cho đến trẻ em thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ và khuyến cáo của ngành chức năng về giãn cách xã hội, khai báo y tế, vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh…
Trên mặt trận tuyến đầu, các y bác sỹ không ngần ngại gác tình riêng, lao vào những vùng hiểm nguy điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân dương tính với Covid-19 bằng tất cả trí tuệ và sức lực.
Các cán bộ, chiến sĩ QĐND, CAND sẵn sàng nhường cơm ngon, canh ngọt; chăn ấm, đệm êm cho người ở các trung tâm cách ly. Họ sẵn sàng nhận về mình những miếng bánh mì lót bụng và ngủ trong những căn lều bạt được dựng vội. Nhưng tất cả họ đều vui vẻ, hạnh phúc để Nhân dân được khỏe mạnh, bình an.
Đẹp biết mấy hình ảnh cán bộ, bác sỹ, y tá (trong đó có cả những người đã về hưu và cả những sinh viên) viết đơn xin xung phong đi chống dịch. Xúc động, nghẹn ngào hình ảnh người chiến sĩ biên phòng chịu mang tội bất hiếu, lập bàn thờ vọng bái biệt cha tại chốt chặn phòng, chống dịch.
Ở hậu phương, từ cụ già hơn 100 tuổi đến các em học sinh tiểu học đều không tiếc của, tiếc công góp sức chống dịch. Trong chiến tranh Vệ quốc, vì miền Nam ruột thịt họ đã sống với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Hôm nay, trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, các mẹ, các em lại sống với tinh thần “Dịch chưa qua, tất cả đều… không tiếc”.
Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (87 tuổi, Hà Tĩnh) lưng đã còng, bước đi xiêu vẹo trong gió chiều xách 5kg gạo và mớ rau mẹ trồng trong vườn san sẻ cho cán bộ, chiến sĩ chống dịch. Em Lê Nguyễn Thu Thủy (12 tuổi, Hà Tĩnh) một mình đi lên xã trao 1 triệu đồng với mong ước sớm được quay lại trường. “Dịch bệnh, không đi học thì em cũng chẳng cần dép đẹp, áo mới”, cô bé nói.
Ngoài ra, còn hàng triệu triệu người Việt Nam ở khắp cả nước đang ngày đêm đóng góp công sức, tiền của cùng Chính phủ đánh giặc. Ấy thế mà, còn có một bộ phận không nhỏ lại đang thờ ơ, bàng quan với vận mệnh, tương lai của đất nước và cũng là của chính họ. Họ là ai?
Họ là những “nam thanh, nữ tú” đàn đúm lại thành “bầy, đàn” để chích hút ma túy trong các quán bar mở trộm.
Là những cá nhân bất chấp lệnh cấm, tụ tập đông người, hành hung, lăng mạ người chống dịch.
Là những bệnh nhân khai gian dối lịch sử tiếp xúc cộng đồng khiến công tác phòng chống thêm bội phần khó khăn.
Họ là những linh mục - người coi sóc con dân Thiên Chúa ở một giáo xứ. Là những người có uy tín với giáo dân, lẽ ra họ phải chung tay cùng với Chính phủ, Nhà nước đẩy lùi giặc dịch. Thế nhưng, bất chấp Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, bỏ ngoài tai công văn nhắc nhở của Giám mục Giáo phận, những ngày qua, một số linh mục ở Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã tổ chức hành lễ cho hàng trăm giáo dân.
Chẳng lẽ họ không hiểu hết những nguy hiểm rình rập đe dọa con chiên của mình? Khi những vụ siêu lây nhiễm trong giáo phái Tân Thiên Địa (Hàn Quốc) và nghi lễ của tổ chức Hồi giáo tại Malaysia là bài học nhãn tiền. Chẳng lẽ họ không nhớ trong Kinh thánh Tân ước, Đức Giê- su từng nói: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ”. Thiết nghĩ, họ biết tất cả, nhưng họ vẫn muốn con chiên của mình tự tách ra khỏi xã hội, đứng ngoài pháp luật và lời Chúa răn (!?).
Cả thế giới đã sửng sốt khi Việt Nam có hơn 1000 km đường biên với Trung Quốc nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ mới có hơn 200 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có gần 100 người đã được chữa trị khỏi, chưa có người tử vong.
Trong khi đó, Châu Âu cách xa Trung Quốc hơn 10.000km nhưng chỉ riêng Italia đã ghi nhận gần 150 nghìn ca nhiễm, trong đó hơn 15 nghìn người tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và truyền thông thế giới phải thừa nhận những hiệu quả tích cực từ các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra, dù cho hệ thống y tế còn thua các nước tiên tiến hàng trăm lần.
Tất cả những điều đó, một lần nữa chứng minh những hiệu quả, đúng đắn từ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang gấp rút đưa ra những gói hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ấy vậy mà, vẫn còn một số kẻ ích kỷ, hẹp hòi, vì lợi ích cá nhân đã đi ngược lại với khoa học - y học hiện đại, ngược lại với lợi ích dân tộc.
Họ chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Vì sức khỏe của mình, của gia đình và toàn xã hội, tất cả chúng ta, không kể tôn giáo tín ngưỡng phải lên án, đấu tranh mạnh mẽ để những cái xấu, sự ích kỷ cá nhân không có cơ hội phát tác làm trôi sông đổ bể nỗ lực chống dịch của bao người.
Xin đừng chờ ai lên tiếng hộ mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận