Bất động sản

Dùng chứng chỉ giả trong hồ sơ thầu bị xử lý như thế nào?

25/09/2020, 16:06

Hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu có thể bị áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu với thời hạn từ 3 đến 5 năm.

img

Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật

Trả lời PV Báo Giao thông, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Pháp luật quy định, cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng:

Hạng I: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường ít nhất 1 công trình từ cấp I hoặc 2 công trình từ cấp II cùng loại trở lên.

Hạng II: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường ít nhất 1 công trình từ cấp II hoặc 2 công trình từ cấp III cùng loại trở lên.

Hạng III: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 1 công trình từ cấp III hoặc 2 công trình từ cấp IV cùng loại trở lên.

Dù quy định của pháp luật khá chặt chẽ, với chế tài xử lý khá mạnh tay, song trên thực tế vẫn xảy ra trường hợp sai phạm trong đấu thầu, như một doanh nghiệp tại Hà Nội đã bị phát hiện có chứng chỉ giả trong bộ hồ sơ đấu thầu. Người sử dụng chứng chỉ giả là ông N.D.C, quê quán: Quỳnh Phụ, Thái Bình, kỹ sư một doanh nghiệp tại. Ông C. cho biết đã tự học tại một trung tâm đào tạo tự do bên ngoài và bị trung tâm này cấp chứng chỉ giả. Công ty đã nghiêm túc kiểm điểm và điều chuyển công tác ông này C.

Theo Luật sư Lực, đối với các dự án đấu thầu thì chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng là điều kiện bắt buộc của chỉ huy trưởng công trường trừ trường hợp chỉ huy trưởng công trường có chứng chỉ hành nghề an toàn lao động hạng tương ứng.

Việc doanh nghiệp sử dụng bộ hồ sơ trong đó có chứng chỉ tư vấn giám sát giả để tham gia đấu thầu là hành vi gian lận bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể là cấm "Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào".

Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ngoài ra, Nghị định số 63 của Chính phủ cũng quy định rõ ràng, đối với hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu đơn vị vi phạm có thể bị áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu với thời hạn từ 3 năm đến 5 năm tùy mức độ vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đang triển khai đấu thầu, nếu phát hiện bên dự thầu có hành vi gian lận thì áp dụng theo khoản 2 mục b Điều 123 Nghị định này để đình chỉ hoặc không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu.

"Như vậy, tại thời điểm sau khi phát hiện sai phạm có hệ thống của đơn vị đấu thầu thì cơ quan có thẩm quyền (Bộ Kế hoạch Đầu tư) có thể cấm đơn vị này tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm trên phạm vi cả nước, bị đình chỉ hoặc không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu đối với những dự án khác đang tham gia đấu thầu. Đồng thời đơn vị vi phạm có thể còn bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả giấy tờ", luật sư Lực cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.