Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là chủ trương nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức cá nhân, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện một cách tốt nhất.
Trong những năm vừa qua, không thể phủ nhận chủ trương này đã đem lại hiệu quả nhất định như tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và điều kiện kỹ thuật; phát triển dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao tại các cơ sở khám chữa bệnh… Qua đó, ngành y tế có điều kiện tiếp thu nhiều thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp lý chưa thống nhất, chưa theo kịp được với sự đổi mới các hình thức xã hội hóa y tế, dẫn tới quá trình tổ chức triển khai gặp vướng mắc.
Khi các lỗ hổng lộ ra, dòng tiền đầu tư không đúng mục tiêu, không phát huy hiệu quả, thay vào đó còn bị lợi dụng, làm biến tướng bản chất xã hội hóa, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Hệ quả là người nghèo, đối tượng yếu thế khó tiếp cận với các dịch vụ chữa bệnh tiên tiến.
Vụ việc nâng khống giá thiết bị, trục lợi trên lưng bệnh nhân vừa phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm là vấn đề rất đáng phải suy ngẫm.
Thực tế mô hình tự chủ đang diễn ra tại các bệnh viện công tới nay vẫn chưa rõ nét. Từ đây mới có chuyện đầu tư theo hình thức kết hợp công - tư nhưng thực chất phụ thuộc nhiều yếu tố của Nhà nước, trong khi việc phân bổ lợi nhuận lại không rõ ràng, rành mạch.
Nguy hiểm nhất là chúng ta chỉ chú trọng kêu gọi nhà đầu tư có năng lực song lại không thực hiện đúng theo nguyên tắc khấu hao tài sản.
Trong khi đó nhà đầu tư mong muốn thu hồi vốn nhanh, kiếm lợi nhuận cao sẽ tìm cách tính toán chi phí phân bổ vào giá thành lớn, khiến bệnh nhân phải chịu giá khám chữa bệnh “cắt cổ”, dù Nhà nước đã thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế.
Đáng nói, tới nay chúng ta vẫn chưa quản lý được giá nhập khẩu vật tư thiết bị y tế, kể cả giá thuốc. Việc kiểm soát cũng rất có vấn đề khiến loại hàng hóa đặc biệt này trở nên trôi nổi, hỗn loạn trong khi người bệnh lại không ai dám mặc cả với sức khỏe, mạng sống của mình.
Bài học từ vụ tiêu cực ở Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, cần thiết phải có hội đồng quốc gia để thẩm định thiết bị vật tư y tế, công khai minh bạch giá và quy cách sản phẩm quốc tế, trên cơ sở đó xác định giá nhập vào Việt Nam hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và của nhân dân.
Khác với những lĩnh vực khác, dù cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực y tế song Nhà nước vẫn phải đứng ra can thiệp, kiểm soát chứ không thể buông lỏng, bởi như vậy rất dễ đến sự tùy tiện.
Chỉ nên thực hiện xã hội hóa và giao quyền tự chủ khi cơ sở y tế công lập đủ điều kiện kể cả về vật tư thiết bị lẫn nguồn nhân lực, chứ không thể “thả gà ra đuổi”.
Một khi cơ sở y tế chưa đủ điều kiện, Nhà nước phải đứng ra gánh vác, bởi đây là nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội theo nguyên tắc người dân được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất với giá hợp lý nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, cần phải có cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đối tác công tư và xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để khắc phục tồn tại hệ thống chính sách pháp luật; ngăn chặn quá trình triển khai tổ chức thực hiện không có nguyên tắc.
Trên cơ sở đó, định hướng cách thức, bước đi cho đúng để ban hành pháp luật đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, không những bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước, người bệnh mà còn của cả chủ cơ sở khám chữa bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận