Hơn 300 ngàn tỷ: Gói hỗ trợ chưa từng có!
Ngày 9/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, gói hỗ trợ có trị giá lên tới trên 300 ngàn tỷ đồng (285 ngàn tỷ đồng hỗ trợ tín dụng ngân hàng và 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ thuế) là chưa từng có từ trước tới nay.
Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng nhà nước của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,3% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Các ngân hàng cũng xác định một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như vận tải, nông lâm nghiệp thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch lưu trú, xuất nhập khẩu…
Gói hỗ này căn cứ trên chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng đã đăng ký tổng cộng 285 ngàn tỷ đồng để tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus Corona mới (Covid-19). Các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất từ 0,5-1%. Nguồn vốn sẽ do ngân hàng tự cân đối và không sử dụng vốn Ngân sách.
Bộ Tài chính ngay sau đó cũng thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ thuế 30 ngàn tỷ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, về các giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng; Gia hạn thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; Gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: Du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giầy,...
Các giải pháp giảm phí, lệ phí, Bộ này cũng cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền giảm một số khoản phí, lệ phí là đầu vào của sản xuất, kinh doanh.
Hiện cả Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính đều đang nghiên cứu hoàn thiện Thông tư hướng dẫn để các đơn vị thực hiện.
Phải đúng đối tượng, tránh thất thoát, tham nhũng
Ông Ánh cho biết, về tính chất, gói hỗ trợ khổng lồ không phải là kích cầu như gói kích thích kinh tế hồi 2009-2010 nhưng những bài học đắt giá 10 năm trước rất cần thiết trong việc chi gói hỗ trợ lần này, đặc biệt là bài học về hỗ trợ đúng đối tượng và tránh thất thoát, tham nhũng.
“Trước hết, nguyên nhân phải có gói hỗ trợ là do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt ở mắt xích Trung Quốc trong khi có không ít lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc tới 70-80% nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Đây là cú sốc cung vô tiền khoáng hậu”, ông Ánh nói.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường du lịch lao dốc không phanh. Hơn nữa, những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch lại là những thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam. Ngành du lịch chịu tác động nặng nề nhất và kéo theo hàng loạt lĩnh vực liên quan như vận tải hành khách, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi giải trí,...
Tiếp sau cú sốc cung là cú sốc cầu khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp trong lúc xuất khẩu chiếm tới 100% GDP và 70% do các doanh nghiệp FDI cung cấp. “Đến lượt mình, hầu hết các doanh nghiệp FDI lại nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu vốn đang gián đoạn nghiêm trọng”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.
Những doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động của dịch gặp khó khăn kéo theo các doanh nghiệp là đối tác bạn hàng cũng khó khăn hơn.
Vì vậy, gói hỗ trợ là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng và dựa trên nguyên tắc thị trường. “Các hỗ trợ tài chính như giãn, hoãn trả nợ ngân hàng và nộp thuế dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời có khả năng phục hồi sau khi dịch đi qua. Sự hỗ trợ chỉ là tạm thời, không phải cho không hay xóa nợ hoàn toàn”, ông Vũ Đình Ánh nói.
Hỗ trợ này sẽ giúp doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng nghĩa vụ tài chính, duy trì sự tồn tại chờ phục hồi.
“Quan trọng hơn là gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp khác hẳn gói hỗ trợ 4% lãi suất năm 2009 ở chỗ không có nguồn gốc ngân sách nhà nước và không do cơ quan nhà nước quản lý điều hành mà do các ngân hàng thương mại chủ động quản lý. Vì vậy phải căn cứ vào thị trường”, vị chuyên gia nhấn mạnh
Đi vào đối tượng nhận thụ hưởng từ gói hỗ trợ tín dụng cụ thể, ông Ánh cho rằng: Trước hết là doanh nghiệp có thể sớm giúp nối lại chuỗi cung ứng thay thế mắt xích Trung Quốc; Thứ hai là doanh nghiệp giúp khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước; Thứ ba là doanh nghiệp có thể duy trì cả yếu tố đầu vào và đầu ra song gặp khó khăn về vốn.
“Ngân hàng thương mại và thị trường tài chính phải giám sát để dòng vốn rẻ này không đổ vào bất động sản hay chúng khoán như trường hợp gói kích thích 2009. Hơn nữa, ngân hàng thương mại tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về giải ngân gói hỗ trợ chứ chính phủ không can thiệp và càng không bảo lãnh ngầm như hồi 2009-2010”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận