Cùng cách làm, bên được ủng hộ, bên bị phẫn nộ
Ngày 12/9, tài khoản trên mạng xã hội facebook Xanh SM thông báo, mỗi chuyến đi xe Xanh của khách hàng, doanh nghiệp này sẽ chủ động trích 1.000 đồng vào quỹ Cứu trợ - quỹ Thiện tâm tính từ 12/9 đến 10/10/2024 để ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại vì bão lụt.
Thông báo của Xanh SM nhận được rất nhiều lời khen ngợi, với hàng ngàn lượt thích (like), yêu (thả tim). Nhiều tài khoản tuyên bố "chăm chỉ book Xanh để được chung tay góp một phần nhỏ xíu cùng đồng bào". Hơn 80% trong số 360 những lời bình luận ở thông báo trên của Xanh SM đều thể hiện tinh thần như vậy.
Tương tự, thương hiệu đồ uống Katinat cho biết sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra tại hệ thống từ 12/9 đến hết 30/9 để làm thiện nguyện. Số tiền này sẽ được công khai theo từng giai đoạn kèm kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới.
Cùng một con số, cùng một cách làm, song kế hoạch của Katinat lập tức hứng "bão phẫn nộ" của cộng đồng mạng. Phía dưới bài đăng của Katinat có 90,3 nghìn bình luận, phần nhiều trong số đó là chỉ trích, cáo buộc thương hiệu đồ uống này lợi dụng hoàn cảnh thiên tai, bão lũ để marketing sản phẩm, bán hàng. Thậm chí, đám đông còn hùa nhau tẩy chay thương hiệu đồ uống này.
Ngoài những người theo dõi trực tiếp chỉ trích, Katinat còn bị nhiều tài khoản tích xanh, có lượng follow lớn trên mạng xã hội mổ xẻ, chỉ trích cay nghiệt.
Katinat ngay sau đó đã có bài viết xin lỗi khách hàng "khi thông qua cách truyền thông có những hiểu lầm dẫn đến những ý kiến trái chiều". Đồng thời cho biết đã đóng góp 1 tỷ đồng trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thay vì trích và chuyển mỗi ngày dựa trên số lượng ly thực tế phục vụ như chương trình dự kiến. Số tiền này được hiểu là khoản "ứng trước" cho doanh thu dự kiến từ 1 triệu ly nước được bán ra từ 12 đến 30/9. Trường hợp doanh thu thực tế cao hơn, thương hiệu này sẽ đóng góp bổ sung.
Động thái này cũng phần nào xoa dịu dư luận, song định kiến tiêu cực vẫn còn đó ít nhiều. "May mà cuối cùng cũng chịu bỏ ra 1 tỷ đồng để xoa dịu, chứ không thì có mà bét xác với cộng đồng". Kết luận trong bài viết của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng là thiên kiến của đại đa số những người theo dõi vụ việc.
Làm từ thiện nhiều hay ít có gì sai?
"Case study" của Katinat nổ ra đúng thời điểm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố tài khoản của Ban Vận động và cứu trợ Trung ương đã nhận được hơn 500 tỷ đồng tiền ủng hộ nhân dân vùng bão, lũ; đồng thời công khai hơn 12.000 trang sao kê mọi khoản đóng góp.
Ngay lập tức, các "kiểm toán viên online" đã miệt mài vào cuộc, chỉ ra không ít tổ chức, cá nhân được cho là "phông bạt" hình ảnh khi số tiền đóng góp thực tế của họ thiếu đi từ một đến vài số 0 so với con số họ đã tuyên bố trước đó. Động thái công khai này được cộng đồng hưởng ứng tích cực, vì đã góp phần "bóc trần" những trường hợp đánh bóng bản thân bằng cách khoe vống khoản tiền đóng góp cho hoạt động thiện nguyện.
Song bên cạnh đó, cuốn "sổ nam tào" về thông tin từ thiện này cũng một lần nữa cuốn cộng đồng vào cuộc mổ xẻ đầy tranh cãi, khi khoản đóng góp của tập đoàn A bị so bì với tổng công ty B; của ca sỹ này với diễn viên nọ… Không ít người nổi tiếng bị lên án vì "chưa thấy tên trong danh sách", song ngay cả những người đã tham gia thiện nguyện cũng bị chịu áp lực lớn khi mức đóng góp bị chê bai, dè bỉu vì chưa xứng với… kỳ vọng của cộng đồng mạng!
"Trong một xã hội hiện đại, có nhiều cơ chế cứu trợ, cứu hộ, hỗ trợ từ cả góc độ cá nhân và tập thể. Cảm giác chúng ta muốn phong sát và tẩy chay bằng cảm xúc nhiều hơn bằng lý lẽ. Điều đó, suy cho cùng có thúc đẩy các cơ chế cứu trợ trong xã hội phát triển hơn không? Tôi nghĩ là không", TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) trăn trở bày tỏ.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, thông báo trích 1.000 đồng/ly đồ uống của Katinat hay 5.000 đồng/vé máy bay của Vietjet để ủng hộ đồng bào không có nghĩa là doanh nghiệp kêu gọi mọi người sử dụng dịch vụ để có tiền đóng góp từ thiện. Mà đó đơn thuần là một thông báo về nguồn tiền họ sẽ sử dụng để hỗ trợ thiên tai. Rất có thể đó không phải là nguồn duy nhất.
"Liệu có gì sai giữa việc một doanh nghiệp làm từ thiện nhiều với một doanh nghiệp đóng góp ít? Từ góc độ cá nhân tôi thấy họ không làm gì sai. Điều tôi quan tâm nhất là nếu tôi sử dụng sản phẩm của họ thì có cơ chế nào để buộc họ minh bạch thông tin về doanh thu để đảm bảo số tiền đó được trích đủ hay không? Về cơ bản, doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới có thể tái đầu tư, từ đó có nguồn lực để tiếp tục thể hiện nghĩa cử cao đẹp", TS Thành chia sẻ góc nhìn.
Xã hội nhân văn không "mua bán" hạnh kiểm bằng tiền bạc
May mắn là, góc nhìn của TS. Phạm Sỹ Thành không đơn lẻ.
Kiến trúc sư Lê Quang, hiện đang làm việc và sinh sống tại Berlin, người có nhiều bài viết với góc tiếp cận đa chiều, chia sẻ phương thức một số thương hiệu quyên góp tiền thiện nguyện bằng cách tạo ra một nút lựa chọn ngay tại quầy tính tiền tự động. Khách hàng có thể lựa chọn có hoặc không và khoản đóng góp là tùy tâm.
"Liệu rằng ta có nên tạo ra 1 thước đo đạo đức tại quầy tính tiền tự động hay không? Tôi cho là không tồn tại thước đo nào. Người ủng hộ 100 triệu là rất quý, doanh nghiệp ủng hộ 1.000 đồng trên 1 đơn hàng cũng rất quý. Xã hội nhân văn không "mua bán" hạnh kiểm bằng tiền bạc. Người ta không cần phải trả tiền để được làm một người tốt", vị kiến trúc sư nêu quan điểm.
Anh cũng nhấn mạnh: Những người chọn không quyên góp ở điểm bán hàng tự động, lựa chọn đó không có vấn đề gì về đạo đức và pháp luật không cấm họ làm như thế. Một người khác, đóng góp rất nhiều để thể hiện trách nhiệm xã hội và cũng để cân bằng sổ thuế của anh ta nữa; có vì thế mà kém tốt đẹp không? Điều đó hiển nhiên tốt đẹp, tốt cho mọi người, tốt cho bản thân anh ấy.
Trước cùng một hiện thực, người ta có nhiều cách để ủng hộ, bằng tiền, bằng hiện vật và cả ủng hộ phi tài chính: bằng sức khoẻ, bằng kiến thức, bằng tính mạng và cả niềm tin.
"Tính đến 17h ngày 13/9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng", thông tin cập nhật từ MTTQ Việt Nam.
Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã có quyết định phân bổ và làm thủ tục chuyển tiền đến Ban Cứu trợ các địa phương đợt một 388,5 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại sẽ tiếp tục rà soát để phân bổ sớm nhất đến với các địa phương vùng thiệt hại do bão lũ.
"Có một người bạn thân của tôi từng cho rằng ủng hộ bằng niềm tin là vô nghĩa, thì đó là bởi vì bạn đã sống mà chưa bao giờ thiếu niềm tin mà thôi", vị kiến trúc sư trẻ nhấn mạnh.
Thông qua câu chuyện của Katinat, Vietjet cũng như hoạt động thiện nguyện, vị Giám đốc CESS muốn gửi gắm thông điệp đó là: Bên cạnh thúc đẩy các hình thức thiện nguyện, thì về lâu dài, xã hội cần có cơ chế hỗ trợ, tài trợ để xử lý các vấn đề trước khi nó xảy ra. Đến lúc đấy thì từ thiện không phải là vì lòng trắc ẩn nữa mà trở thành một cơ chế tái phân phối của cải trong xã hội.
"Còn bây giờ, điều quan trọng của cứu trợ là làm sao xây dựng một môi trường lành mạnh và minh bạch để ai cũng muốn làm từ thiện. Và quan trọng hơn cả, là ai cũng dám làm từ thiện", TS.Thành nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận