Không có vốn, không thể có dự án
Ngày 20/12/2019, CTCP Fecon phát hành thành công lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá 100 tỷ đồng cho 12 nhà đầu tư cá nhân để tăng quy mô vốn hoạt động.
Lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn 1 năm và được phát hành riêng lẻ thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành là VCBS.
Fecon huy động thành công nhiều đợt trái phiếu
Thời điểm đó, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, đáng chú ý lãi suất bị đẩy lên cao đến 17% thì lãi suất của đợt phát hành này chỉ 11%/năm không phải là hấp dẫn, khối lượng phát hành cũng không cao và không gây được sự chú ý của thị trường.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng lớn và cần kíp.
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa sau đó trong Báo cáo thường niên 2019 cũng thừa nhận: “Các doanh nghiệp xây dựng nói chung và Fecon nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức do tình hình đầu tư công suy giảm, thị trường xây dựng hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Công ty đã rất nỗ lực để giữ thị phần, giữ tốc độ tăng trưởng doanh thu trong môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt”.
Khi đó, Fecon vừa hoàn thành một loạt dự án và tạo lập uy tín tốt như: Đại học Phenikaa Hà Nội, Empire City TP.HCM, Gamuda City TP.HCM, Logistic Thăng Long Hưng Yên, Trường Liên cấp Wellspring Hà Nội… và một số dự án trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, năm 2019 đánh dấu bước đi mạnh mẽ của Fecon vào mảng xây dựng dân dụng và công nghiệp với vai trò là nhà thầu chính/tổng thầu; Đồng thời cũng đánh dấu chặng đường 15 năm của doanh nghiệp này, bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới 2020–2025 và chờ đón Luật PPP.
Khi đó, Fecon cũng có nhiều dự án lớn đang triển khai như: Metro line 3 Hà Nội, KĐT Hoa Sen Đại Phước Đồng Nai, Cảng Vĩnh Tân Đồng Nai, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn Bà Rịa Vũng Tàu, Nhiệt điện Nghi Sơn 2 Thanh Hóa, Nhà máy nước thải Yên Xá Hà Nội, dự án Lotte Mall Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành trong các năm kế tiếp.
Sau đợt phát hành thành công năm 2019, Fecon tiếp tục có hai đợt phát hành nữa trong năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và hoạt động kinh doanh sa sút.
Đợt 1 trị giá 150 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng; Đợt 2 trị giá 80 tỷ đồng cũng có kỳ hạn 18 tháng. Cả hai đợt trái phiếu này cũng duy trì lãi suất 11%/năm.
Tiếp đó, năm 2021, để có vốn thực hiện dự án hợp tác thực hiện dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, Fecon tiếp tục phát hành trái phiếu gọi 95 tỷ đồng…
Ngày 29/10/2021, Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, với công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng, do liên danh Fecon - Ecotech làm chủ đầu tư đã chính thức vận hành thương mại.
Đừng nhìn với màu sắc quá u ám
Trong suốt giai đoạn vừa qua, không chỉ Fecon mà rất nhiều doanh nghiệp gọi vốn thành công qua thị trường trái phiếu dù có/ không niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trong số hàng nghìn tỷ đồng vốn được huy động qua kênh trái phiếu có rất nhiều doanh nghiệp như Fecon sử dụng các đồng vốn này một cách hiệu quả, lấy được lòng tin của nhà đầu tư.
Trái phiếu phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ
Nhân viên một công ty chứng khoán mạnh về mảng trái phiếu có trụ sở Hà Nội tiết lộ, doanh số ở mảng trái phiếu của công ty này mấy năm gần đây đều tăng trên 30% mỗi năm.
“Rất nhiều nhà đầu tư duy trì danh mục tỷ lệ 80-20”, nhân viên này cho biết và giải thích trong đó 80% đầu tư trái phiếu và 20% đầu tư cổ phiếu.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát triển quá “nóng” trong vòng 5 năm trở lại đây, những trường hợp lợi dụng sự phát triển của thị trường, lợi dụng niềm tin và sự tín nhiệm của nhà đầu tư đã “làm rầu nồi canh” trái phiếu, khiến nhà đầu tư nhìn vào bức tranh trái phiếu với màu sắc u ám.
Nhưng nhìn lại, không thể phủ nhận sự phát triển kinh tế thời gian vừa qua có sự đóng góp đáng kể của trái phiếu như ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, thừa nhận tại hội thảo chuyên đề “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP”, hồi tháng 1 năm nay.
Ông Dương cũng cho rằng, mục tiêu Chính phủ muốn phát triển kênh huy động vốn này hoàn toàn chính xác, tạo một kênh huy động vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp vẫn có thể huy động được vốn để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ở góc độ nhà xếp hạng tín nhiệm trung lập, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá rất lớn đối với vai trò của kênh trái phiếu.
“Nếu không có kênh trái phiếu tôi tin rằng một số doanh nghiệp lớn đã sụp đổ rồi, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 làm đứt dòng tiền”, ông Thuân nhìn nhận.
Còn đối với nhiều vụ việc vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch FiinGroup cho rằng cơ quan quản lý đã thanh tra, doanh nghiệp đã được xử lý.
“Tôi nghĩ điều đó là tốt. Đó là điều bình thường trong cái bất bình thường. Báo chí nhìn ở góc tiêu cực nhưng tôi nhìn ở góc độ tích cực. Tóm lại, không có kênh trái phiếu nhiều doanh nghiệp phá sản mà ngân hàng không làm nổi", Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.
"Cửa sinh" của nhiều doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán có quy mô vốn hóa rất lớn, hơn 100% GDP. Huy động vốn qua kênh này năm qua là hơn 100,6 nghìn tỷ đồng, kỷ lục trong suốt 25 năm hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu so sánh có thể thấy vốn huy động mới qua kênh này chỉ tương đương 1/7 kênh trái phiếu bởi năm 2021 các doanh nghiệp đã phát hành được lượng trái phiếu trị giá 722,7 nghìn tỷ đồng, cũng là kỷ lục về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Còn trong tương quan so sánh với kênh tín dụng ngân hàng, năm 2021 dư nợ tín dụng của nền kinh tế đạt khoảng 10,4 triệu tỷ đồng theo công bố Ngân hàng Nhà nước, trong đó khoảng 47% là dư nợ tín dụng trung và dài hạn. Riêng dư nợ tín dụng mới trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại cũng là hơn 700 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Thuân:
Nếu siết, chặn mạnh quá, hệ thống sẽ gãy gục. Cơ quan quản lý, các chuyên gia cùng các thành viên thị trường phải tính toán, đảm bảo thị trường tiếp tục vận hành chứ không nên dập ngay lập tức. Hệ thống bất ngờ khựng lại sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống chứ không chỉ tác động đến nhà đầu tư hay doanh nghiệp phát hành.
Trên cơ sở các so sánh trên, ông Thuân cho rằng, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp năm 2021 đã vươn lên gần bằng giá trị cho vay mới trung và dài hạn của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng bị kiểm soát vào các kênh rủi ro trong đó có bất động sản, BOT, BT, chứng khoán có thể nói kênh trái phiếu chính là “cửa sinh” của rất nhiều công ty chứng khoán, doanh nghiệp hạ tầng, bất động sản… và các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 là khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, đạt 16,6% GDP 2021, gấp 4 lần so với năm 2017 nhờ tốc độ phát hành tăng hơn 40% mỗi năm.
Sau một năm áp dụng Nghị định 153 quản lý thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định này theo hướng quản lý chặt chẽ, toàn diện hơn.
Do đó, theo nhận định của Chủ tịch FiinGroup, triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 ra sao, có phá vỡ kỷ lục phát hành của năm 2021 hay không còn phụ thuộc vào các chính sách và Nghị định 153 này.
Có thể quy mô thị trường năm 2022 sẽ không còn “sáng” như năm trước nhưng chuyên gia này kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ thay đổi về chất, tăng lượng phát hành đại chúng để minh bạch thông tin và chất lượng nhà phát hành, giảm rủi ro cho thị trường, an toàn hệ thống và bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận