Nút giao đường vành đai 3.5 ra đại lộ Thăng Long chưa được giải phóng mặt bằng.
Dừng BT nút giao 3.5 - đại lộ Thăng Long
Trên nhiều diễn đàn bất động sản, Khu đô thị An Lạc (An Lạc Green Symphony) được quảng cáo có mặt tiền nằm ven đường vành đai 3.5. Đây được cho là một trong những điểm cộng của dự án khi có cổng chính mở ra tuyến huyết mạch nối liền nhiều dự án trọng điểm: Vườn Cam, Kim chung - Di Trạch, Splendora... và nối thông nhiều tuyến huyết đường: Từ QL 32 sang Đại lộ Thăng long, Pháp Vân. Di chuyển trên tuyến đường này cũng dễ dàng tới các khu vực nằm phía Tây Hà Nội.
Đường vành đai 3.5 ra Đai Lộ Thăng Long cũng là cung đường chính để di chuyển từ dự án vào nội thành Hà Nội, tới các điểm như Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Big C Thăng Long, đường Nguyễn Chí Thanh... Và đây là một trong những thông tin được nhấn mạnh để tăng giá trị, sức hấp dẫn cho dự án này.
Thế nhưng, nút giao khác mức theo hình thức BT từ đường vành đai 3.5 lên Đại lộ Thăng Long đã bị dừng triển khai xây đựng. Hiện tại con đường này chưa được dẫn thẳng lên Đại lộ Thăng Long.
Theo ghi nhận của PV (26/1), đoạn đường từ cổng An Lạc Green Symphony ra Đại lộ Thăng Long dài gần 1km vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Hiện trạng vẫn là hồ nước, nhà xưởng và các cửa hàng kinh doanh máy móc, ô tô, trạm xăng...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại Diện Công ty CP Him Lam, chủ đầu tư dự án cho biết: Hiện nay, Luật PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công tư) đã bị huỷ bỏ nên Dự án Đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3.5 với đại lộ Thăng Long cũng dừng triển khai. Do đó, Him Lam đã dừng triển khai thủ tục của dự án này.
Mới đây (3/11/2020), tại văn bản tham gia ý kiến chủ trương cho phép triển khai dự án Đường vành đai 3.5 (Đoạn từ Km0-Km0+600), huyện Hoài Đức, TP Hà Nội gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết, hồ sơ đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nhưng Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án chưa hoàn thiện được phương án tài chính theo quy định (do quỹ đất dự kiến thanh toán cho dự án chưa hoàn thiện các thủ tục quy hoạch).
Mặt khác, hiện nay theo Luật PPP đã được Quốc hội thông qua thì hình thức hợp đồng BT không còn áp dụng cho các dự án đầu tư mới. Do đó, việc triển khai thực hiện dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3.5 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức hợp đồng BT không còn phù hợp, cần nghiên cứu đề xuất hình thức đầu tư mới cho dự án, đảm bảo tính khả thi và tuân thủ quy định của pháp luật, văn bản của Sở GTVT ghi rõ.
Dừng BT, doanh nghiệp có "ôm" đất đối ứng ?
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng nút giao giữa đường vành đai 3,5 – đại lộ Thăng Long theo hình thức BT do Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư.
Theo Luật sư Đặng Văn Sơn, Văn phòng Luật sư Đặng Sơn (Hoàng Mai), khi không thực hiện BT nữa thì doanh nghiệp vẫn có thể được giao đất, cho thuê phần đất đối ứng và phải nộp tiền sử dụng đất, giao đất làm dự án... miễn sao phù hợp với quy hoạch".
Dự án nút giao gồm các hạng mục: Hầm chui trực thông với chiều dài hầm là 1.000m, 4 làn xe theo hướng đường Lê Trọng Tấn đi Quốc lộ 32, tim tuyến trùng với tim đường Lê Trọng Tấn.
Phía Quốc lộ 32 bố trí hầm hở dài 260m và tường chắn dài 165m. Phía đường Lê Trọng Tấn bố trí hầm hở dài 263m và tường chắn dài 165m, đoạn đi dưới Đại lộ Thăng Long thiết kế hầm kín với chiều dài 147m.
Cầu nhánh tua bin sử dụng dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực, 2 làn xe, bề rộng cầu 8,8m. Bốn nhánh có chiều dài tổng cộng là 2.288m.
Him Lam được thanh toán bằng quỹ đất 320 ha nằm trong quy hoạch phân khu đô thị N10, thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi thuộc quận Long Biên và xã Cổ Bi, Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Trao đổi với PV, Đại diện Him Lam cho biết, diện tích trên vẫn đang được đơn vị nghiên cứu, lập quy hoạch, dự kiến được phê duyệt trong năm 2021.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận