8 hãng hàng không giá rẻ đến từ khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đã thành lập liên minh hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới |
8 hãng hàng không giá rẻ của Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đã thành lập liên minh hàng không giá rẻ lớn nhất thế giới, cho phép hành khách đặt vé thông qua một nền tảng chung.
Liên minh để cạnh tranh
Ngày 16/5, Liên minh hàng không mới có tên Value Alliance được thành lập, bao gồm: Hãng hàng không giá rẻ Scoot và Tiger Air thuộc Singapore, hãng hàng không Cebu Pacific (Philippines), Jeju Air (Hàn Quốc), Nok Air và NokScoot (Thái Lan), Tiger Air (Australia) và Vanilla Air (Nhật Bản). Thông báo của liên minh Value Alliance cho biết: “Từ liên minh này, khách hàng có thể xem, chọn và đặt vé từ bất cứ hãng nào trong nhóm trực tiếp từ trang web của các hãng hàng không đối tác”. Dịch vụ này hoạt động dựa trên công nghệ do Công ty TNHH Air Black Box thiết kế, cho phép hành khách đặt một lúc nhiều địa điểm, kết nối các chuyến bay. Khách hàng còn đặt được các dịch vụ bổ sung như chọn ghế, đặt suất ăn...
“Value Alliance sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy các hãng hàng không giá rẻ có thể vững mạnh nếu hợp tác với nhau thay vì làm việc riêng rẽ” - Lance Gokongwei, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Cebu Pacific nhận định. Ngoài ra, không gói gọn trong 8 hãng, liên minh này sẵn sàng mở cửa để đón bất cứ hãng hàng không giá rẻ nào có ý muốn gia nhập. Điều đáng chú ý, liên minh này chưa có sự gia nhập của các hãng giá rẻ lớn và nổi tiếng nhất trong khu vực như AirAsia Bhd và Jetstar (thuộc Qantas Airways Ltd). Khi được hỏi, Giám đốc điều hành của các hãng này đều im lặng, chưa phản hồi.
David Miles, Giám đốc Dịch vụ Cố vấn tại Tập đoàn Tư vấn hàng không Ambidji có trụ sở tại Melbourne (Australia) cho biết: “Trong bối cảnh có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường, một số hãng hàng không sẽ phải chịu thiệt. Khi một hoặc nhiều hãng gặp khó khăn nhận ra họ cần đến nhau, hợp tác để phát triển thì chuyện liên minh là điều tự nhiên”.
Lợi ích lớn cho khách hàng
Ông Shukor Yusof, người sáng lập Endau Analytics (công ty tư vấn hàng không có trụ sở tại Malaysia) cho biết, liên minh hàng không cho phép phục vụ nhiều khách hàng hơn nữa. “Ý tưởng này sẽ giúp san bằng giá vé giữa các hãng hàng không trong liên minh. Vì vậy, sẽ không có sự phân biệt quá lớn trong giá vé của các hãng hàng không đối tác. Tôi nghĩ, không lâu nữa, chúng ta có thể mua vé máy bay với giá một vại bia”.
Hay, ông Dan Lu, nhà phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Nhật Bản JPMorgan có trụ sở tại Tokyo nhận định: “Đây là động thái tích cực đối với ngành hàng không giá rẻ (LCC) nói riêng. Một bất lợi của LCC vốn là thiếu hệ thống, dẫn đến gặp khó khăn để liên kết phục vụ trọn gói. Vì vậy, việc thành lập một liên minh của riêng ngành Hàng không giá rẻ là điều cần thiết. Thông qua liên minh này, các hãng có thể mở rộng hệ thống của mình”.
Năm ngoái, các hãng trong liên minh đã phục vụ 47 triệu lượt khách tại 17 sân bay trên thế giới. Dự kiến, khi vào hoạt động, Value Alliance sẽ phục vụ tại hơn 160 địa điểm, sở hữu dàn máy bay lên tới 176 chiếc, phục vụ hơn 500 triệu hành khách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho tới năm 2020.
Thách thức
Triển vọng là vậy song để thành công, liên minh này gặp khá nhiều thách thức. Vấn đề lớn nhất là làm sao để duy trì hoạt động mà không làm tăng chi phí, giữ nguyên mức vé rẻ cho khách hàng. Mặt khác, dù đã liên minh về hệ thống đặt vé nhưng nhiều hệ thống khác, chẳng hạn hạ tầng kiểm tra hành lý giữa các hãng vẫn chưa tự động kết nối. Do đó, khách hàng sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình làm thủ tục tại sân bay. Tại một số nước thành viên, liên minh còn đang đối diện với không ít các vấn đề pháp lý.
Hầu hết các nước đều có quy định ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các hãng hàng không nội địa. Giám đốc điều hành Scoot, ông Campbell Wilson cho rằng, việc thành lập Value Alliance đã được thực hiện trong suốt 18 tháng nay. “Lộ trình đưa Value Alliance vào hoạt động sẽ được thực hiện từng bước một.
Chúng tôi muốn hái “quả ngọt” ở vừa tầm với và xem xét những lợi ích khác nằm ở đâu” để tiếp tục có chiến lược - ông nói. Còn theo CEO của hãng Nok Air Patee Sarasin, sẽ cần rất nhiều thời gian để liên minh hàng không đi vào hoạt động thực tế và giảm được chi phí tối đa cho khách hàng.
Hàng không Việt Nam cần xem xét điều kiện và lợi ích Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, việc thành lập các liên minh hàng không trên thế giới là một xu thế tất yếu, đã diễn ra từ lâu. Liên minh hàng không thực tế là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều hãng hàng không hợp tác kinh doanh với nhau. Trên thế giới, trước Value Alliance đã có các liên minh hàng không lớn khác như Star Alliance, SkyTeam và OneWorld. Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện là thành viên Liên minh SkyTeam. Về liên minh hàng không Value Alliance, vị này cho rằng tại Việt Nam, về lý thuyết, các hãng hàng không chi phí thấp như Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng có thể tham gia những liên minh như thế này vì phù hợp với mục tiêu và đối tượng khách hàng. “Tất nhiên, việc có tham gia hay không lại là chuyện khác. Thứ nhất là, liên minh này có muốn tiếp nhận thêm thành viên không. Nếu có, ngược lại, phía các hãng hàng không của ta cũng cần phải có thời gian xem xét các điều kiện. Phải phù hợp lợi ích và mang lại lợi ích thì họ mới tham gia” - vị này nói thêm.T.B |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận