Hãng hàng không giá rẻ Ryanair bắt đầu bỏ những đường bay tới các thành phố nhỏ đem lại ít lợi nhuận |
Giờ đây khi một nửa số chuyến bay ở Tây Âu và Mỹ đã do các hãng hàng không giá rẻ đảm nhận, liệu hàng không giá rẻ có còn khả năng tăng trưởng nữa hay không? Bài viết dưới đây của Miquel Ros - một chuyên gia kinh tế, làm việc cho Flightglobal và Bloomberg, phụ trách mảng công nghiệp hàng không của trang Allplane.tv; là một lời tiên đoán về tương lai của hàng không giá rẻ.
Giá rẻ, dịch vụ như truyền thống
Hàng không giá rẻ đơn giản hóa sản phẩm đến mức tối đa, bỏ đi hết những dịch vụ mang tính kiểu cách, hình thức và không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, các hãng này đang điều chỉnh một số yếu tố trong mô hình kinh doanh nhằm hướng đến thị trường lâu nay chỉ thuộc về các hãng truyền thống.
Pere Suau-Sanchez - Trung tâm Quản lý Hàng không tại Đại học Cranfield (Anh) cho biết: “Chúng tôi đã thấy các hãng hàng không giá rẻ ở châu Âu như Ryanair bắt đầu bỏ những đường bay tới các thành phố nhỏ đem lại ít lợi nhuận và triển khai hoạt động tại các sân bay chính. Đó là nỗ lực của họ nhằm vươn tới thị trường cao cấp hơn. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp cũng thực hiện chính sách cắt giảm chi phí, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc di chuyển bằng hàng không chi phí thấp”.
Từng bước, từng bước rất nhiều điểm đặc trưng của hàng không giá rẻ bị gạt sang một bên. Nói về điều này, các chuyên gia đều cho rằng một mô hình kinh doanh hàng không mới đã hình thành. Mô hình ấy là sự lai tạo giữa dịch vụ không rườm rà của hàng không giá rẻ “thuần chủng” và cách thức cung cấp đầy đủ dịch vụ (full-service) của hàng không truyền thống.
Ví dụ, nhiều hãng giá rẻ đã thử nghiệm “dịch vụ trọn gói” (re-bundling). Thay vì mua từng dịch vụ riêng rẽ, khách hàng có thể chọn mua trọn gói dịch vụ trong giá vé để có ghế tốt, miễn phí hành lý gửi và được phục vụ ăn uống. Thực chất, đó là cách cung cấp dịch vụ của hàng không truyền thống. Tuy nhiên, khi hàng không giá rẻ áp dụng, họ chỉ tính với khách hàng một khoản chi phí khá khiêm tốn để đảm bảo mức giá vé cạnh tranh.
Theo đuổi khách hàng doanh nhân
Để tới được với khách hàng doanh nhân, hàng không giá rẻ bắt đầu bán vé qua những hệ thống phân phối toàn cầu (GDS - Global distribution systems) được nhiều công ty sử dụng. Một số hãng thậm chí còn chạy chương trình khách hàng thân thiết. Tất cả những điều đó rõ ràng đang tạo ra áp lực rất lớn lên hàng không truyền thống vốn phụ thuộc nhiều vào những đường bay ngắn để hỗ trợ cho các đường bay dài sinh lời nhiều hơn.
Đối mặt với thách thức này, một số hãng hàng không truyền thống tiến hành bán một số vé giá rẻ để cạnh tranh trực tiếp với hàng không giá rẻ. Đó là cách Air France-KLM đối phó với Transavia, Lufthansa, Germanwing và Eurowings. Họ phân loại khách hàng sử dụng dịch vụ bay của mình. Với cách này, hàng không truyền thống có thể bán vé với giá cạnh tranh, không kèm theo bất cứ dịch vụ rườm rà nào. Và hành khách sẽ bay trên những chuyến bay truyền thống nhưng không được phục vụ đồ ăn và miễn phí hành lý gửi. Kết quả này là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Khi đó cùng với số tiền bỏ ra mua vé rẻ nhất của hàng không truyền thống lại cho phép hành khách thụ hưởng dịch vụ tương tự trên máy bay giá rẻ.
Một sự phát triển quan trọng nữa chắc chắn sẽ khiến quan niệm của mọi người về hàng không giá rẻ thay đổi, tiếp tục làm mờ ranh giới giữa giá rẻ và truyền thống là khi hàng không giá rẻ liên kết với các hãng hàng không khác, trong đó có cả hàng không truyền thống. Đây thực sự là một cam kết quan trọng giữa các hãng hàng không vốn đang làm mọi thứ để đơn giản hóa những rắc rối phức tạp gây tốn kém trong hệ thống điều hành, như: Cho phép hành khách đặt mua 1 vé nhưng lại có thể lựa chọn chuyến bay của một vài hãng...
Kết thúc một kỉ nguyên
Gần đây, Ryanair tuyên bố mối quan tâm của mình đối với việc tiến tới kí thoả thuận hợp tác với Hãng hàng không TAP của Thổ Nhĩ Kì và Air Shuttle của Na Uy. Nếu thỏa thuận này được thông qua, sẽ là sự phát triển quan trọng đối với ngành công nghiệp hàng không châu Âu. Bởi Ryanair là hãng giá rẻ lớn nhất châu Âu và cũng là hãng có tham vọng mạnh mẽ nhất trong kế hoạch mở rộng phát triển đường bay dài với giá vé rẻ.
Khai thác đường bay dài xuyên Đại Tây Dương sẽ là sự biến hình của hàng không giá rẻ. Nó sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến hàng không truyền thống châu Âu vốn đang phải chứng kiến thị trường đường bay dài ở phía Đông của mình bị càn quét bởi các hãng hàng không vùng Vịnh mới nổi. Dù vậy, rất dễ nhìn thấy các thách thức dành cho hàng không giá rẻ khi muốn lặp lại chiến thắng ở thị trường đường bay dài. Cho tới thời điểm này, mọi bằng chứng đều cho thấy sự thất bại nếu họ triển khai kinh doanh mảng này.
Suau-Sanchez giải thích vì sao việc vận hành đường bay dài mà không có một hệ thống hỗ trợ lại đặc biệt khó khăn. Ông chỉ ra rằng, ở châu Âu chỉ có một vài thị trường được hỗ trợ để có thể vận hành các đường bay dài một mình. Thậm chí ở châu Á nơi khái niệm đường bay dài giá rẻ tương đối đồng nhất, các hãng như AirAsia vẫn phải dựa vào hệ thống gom khách.
Quan hệ đối tác vì thế có thể là chìa khóa cho sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không đường dài giá rẻ. Phần quyết định còn lại thuộc về sự ra đời của những loại máy bay mới như Boeing 787 Dreamliner được thiết kế dành riêng cho đường bay dài và cơ hội mở các đường bay mới sau hiệp định Mở cửa bầu trời giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận