Đo độ ma sát đường băng 1B
Công tác nghiệm thu, cấp phép khai thác đường băng, đường lăn CHK quốc tế Nội Bài đang tích cực được triển khai, đảm bảo đưa vào khai thác dự án khẩn cấp này trước 0h ngày 31/12/2020.
0h ngày 31/12, máy bay có thể cất cánh trên đường băng 1B
Chia sẻ với PV Báo Giao thông ngay tại công trường dự án, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Quản lý dự án Nội Bài (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, 0h ngày 31/12, máy bay có thể cất cánh trên đường băng 1B.
“Chúng tôi đã họp bàn để nghiệm thu, bàn giao. Việc thi công đã hoàn thành 100% từ 27/12. Trong ngày 28/12, Ban QLDA Thăng Long sẽ làm việc với Cục Hàng không VN để cấp phép đèn hiệu và cấp phép phương án vận hành tàu bay”, ông Thái nói.
Hiện đơn vị này đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để thực hiện vệ sinh công nghiệp, đo độ ma sát mặt đường cất/ hạ cánh làm cơ sở nghiệm thu cũng như đo chỉ số phân cấp mặt đường băng (PCN) để công bố tin tức hàng không. “0h ngày 31/12, máy bay Code C (máy bay A321, A320) đã có thể cất cánh trên đường cất/hạ cánh 1B dài 3.000m”, ông Thái khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết, DN này đã sẵn sàng tiếp thu đường băng, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, kịp thời phục vụ mùa cao điểm Tết.
“Để tiếp thu được, đường băng, đường lăn phải được Cục Hàng không VN cấp phép”, ông Bình nói và cho biết: Trước khi đưa vào khai thác, ACV sẽ phải trực tiếp kiểm tra một lần nữa tình trạng của đường băng, việc đảm bảo an toàn trên đường băng.
Thông tin thêm, ông Bình cho biết, phương án khai thác tại khu bay Nội Bài cơ bản không có gì thay đổi do đây chỉ là sửa chữa, nâng cấp, không thay đổi quá nhiều cấu hình của khu bay.
Tìm hiểu của Báo Giao thông, để được cấp phép khai thác, sẽ có rất nhiều hồ sơ, thủ tục cần được hoàn thiện, trong đó có việc nghiệm thu cơ sở, phải có đánh giá chất lượng của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông…
Đến thời điểm này, Cục Hàng không VN đã cấp phép bay cho các hãng hàng không trong nước để phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu theo năng lực của CHK quốc tế Nội Bài với đủ 2 đường băng (đường băng 1A cho tàu bay cất/ hạ cánh và đường 3.000m cho tàu bay Code C cất cánh).
Dự án thi công khó khăn bậc nhất
Đo độ ma sát đường băng 1B
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cuối tuần qua tại công trường sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, cả 3 nhà thầu ACC, VINADIC và Trường Sơn vẫn đang huy động công nhân khẩn trương hoàn thiện nốt những công việc cuối cùng như cắt tạo nhám khô trên mặt đường băng, sơn kẻ tín hiệu, lắp đặt hệ thống tín hiệu, biển báo…
Ông Đặng Hùng Thái cho hay, dự án sửa chữa, nâng cấp khu bay Nội Bài phức tạp hơn Tân Sơn Nhất khá nhiều do phải sửa cả hai đường 1A và 1B.
Theo đó, đường băng 1B xuống cấp nặng hơn nên làm trước. Đáng lưu ý, đường băng này nằm phía nhà ga, sân đỗ, máy bay phải lăn qua để đến đường 1A cất cánh. Quá trình thi công, đường băng 1B phải đóng từng phần và vừa bám sát tiến độ, vừa đảm bảo khai thác an toàn.
“Khi sửa chữa xong, “tuổi thọ” đường băng ít nhất 20 năm và có thể tới 50 năm nếu như công tác bảo dưỡng định kỳ được làm thường xuyên theo đúng quy định,” ông Thái khẳng định.
“Dự án được triển khai theo lệnh khẩn cấp, chúng tôi còn phải đảm bảo đặc thù của một dự án vừa thi công vừa khai thác. Do đó, việc đảm bảo giờ khai thác bay như thế nào, thời gian triển khai thi công ra sao phải được tính toán hết sức chi tiết, chi li từng giờ, từng phút”, ông Thái nói và cho rằng, mỗi một hạng mục thi công phải trình lên Cục Hàng không VN phê duyệt kỹ do liên quan đến an toàn bay, sau đó nhà thầu mới được triển khai thi công.
Ông Thái cũng nhìn nhận tiêu chuẩn thi công đường băng khác biệt và cao hơn nhiều so với đường bộ bởi chiều dày bê tông cốt thép trung bình dày 38cm, độ sụt bê tông bằng 0 và phải bằng phẳng, bê tông cũng chịu được cường độ áp lực bánh xe xuống nền lớn (khoảng 350MPa) nên không được đổ vào thời điểm nhiệt độ cao mà luôn phải đảm bảo dưới 300C...
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.032 tỷ đồng
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 1A và 1B; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các đường lăn nối; xây dựng các công trình phục vụ bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ tại Nội Bài có tổng mức đầu tư khoảng 2.032 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 (gồm 3.000m đường cất/hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước đồng bộ...) đảm bảo khai thác được máy bay Code E.
Giai đoạn 2 hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất/hạ cánh 1B và hoàn thiện đường cất/hạ cánh 1A, các đường lăn nối và toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận