Chuyện dọc đường

Đường đẹp sao bắt chạy chậm?

07/12/2016, 10:43

Người dân TP.HCM đang rất quan tâm đến thông tin CSGT thành phố đề xuất giảm tốc độ trên một số tuyến đường.

2

Đường Phạm Văn Đồng rất thông thoáng nên việc cho phép lưu thông 80km/h là hợp lý

Đáng chú ý, các tuyến đường mà CSGT TP.HCM đề xuất đều là những tuyến đường lớn, có dải phân cách tách làn ô tô với xe gắn máy. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy, việc tăng tốc độ lưu thông tối đa thời gian qua trên những tuyến đường này là nguyên nhân gây TNGT. Vì vậy, đề xuất của CSGT Công an TP.HCM khiến nhiều người băn khoăn chưa đồng thuận.

Những năm vừa qua, TP.HCM đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Những tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ... được đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng từ 4 - 8 làn xe ô tô. Các tuyến đường này đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, giảm ùn tắc, kẹt xe.

Trong tất cả các nguyên nhân gây TNGT, những hành vi như: Chạy lấn tuyến, vượt ẩu, sử dụng rượu bia... vẫn đứng hàng đầu. Các chế tài xử lý đều đã có, vậy lực lượng chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình để xử lý triệt để những nguyên nhân chính gây tai nạn này chưa?

Tăng hay giảm tốc độ xuống 10km/h với cơ quan chức năng chỉ là việc thay một cái biển báo. Nhưng với xã hội nó có sự tác động rất lớn mà ít ai đo đếm được. Xe chạy chậm hơn khiến hàng hóa vận chuyển chậm, lượng khí thải phát ra môi trường nhiều, tài xế lúc nào cũng canh me vì sợ bắn tốc độ. Tại nạn có khi vì thế mà tăng hơn. Đường tốt, rộng rãi mà bắt xe chạy chậm cũng là một sự lãng phí.

Để một quyết định hành chính đưa ra hợp lòng dân, dễ đi vào cuộc sống thì cần phải có nghiên cứu khách quan. Cần tìm rõ đâu là nguyên nhân chính gây TNGT, từ đó có từng giải pháp cụ thể, hiệu quả. Trên từng tuyến đường cũng cần khảo sát kỹ, xác định lại tuyến đường nào cần điều chỉnh tốc độ giảm xuống, thậm chí nếu đường nào tốt có thể cho phép tăng tốc độ lên để thuận lợi cho việc lưu thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.