Hạ tầng

Đường huyết mạch về miền Tây xuống cấp, mất an toàn giao thông

15/05/2021, 07:46

Tình trạng ùn tắc dọc tuyến QL1 từ TP HCM về Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng, nhất là những điểm cầu hẹp, chưa được mở rộng, mặt đường xuống cấp.

img

Khu vực gần ngã tư Lương Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thường xuyên bị đọng nước kể cả những ngày nắng nóng

QL1 xuống cấp nghiêm trọng, oằn mình “cõng” phương tiện

Tuyến QL1 huyết mạch về miền Tây gần đây xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các đoạn qua địa bàn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Chất lượng mặt đường không đảm bảo, nhiều điểm cầu quá hẹp nên thường xuyên ùn tắc.

Có mặt tại đoạn QL1 qua xã Mỹ Yên, Long Hiệp, Nhựt Chánh và thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An), ghi nhận của PV Báo Giao thông, mặt đường nhiều chỗ bị lún, rạn nứt.

Ngã tư Nhựt Chánh - nơi từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, làm nhiều người thương vong, còn xuất hiện “ổ voi” ngay điểm đấu nối QL1 với đường tỉnh 832. Nhiều người đi xe gắn máy qua đây gặp khó khăn, người yếu tay lái bị té ngã thường xuyên.

Hay như đoạn thị trấn Bến Lức, nhiều điểm bị hằn lún vệt bánh xe kéo dài hàng chục mét trên làn xe hỗn hợp. Những người lái xe máy không cứng tay rất dễ bị lạc tay lái, ngã xuống đường.

QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang có nhiều đoạn còn xuống cấp nghiêm trọng hơn. Tại khu vực ngã tư Lương Phú thuộc địa bàn huyện Châu Thành, hướng miền Tây đi TP HCM nước đọng kéo dài hơn 10m, tràn ra cả phần đường dành cho xe thô sơ. Những người đi xe máy qua đoạn này thường né vũng nước, đánh tay lái ra phần đường ô tô.

img

Nhiều ổ voi, ổ gà trên QL1 đoạn qua xã Tân Hội, TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Đặc biệt, các cầu hẹp trên QL1 thuộc địa bàn TX Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè như: Cầu Nhị Mỹ, Cai Lậy, Phú Nhuận, Bà Đắc, An Cư, Thông Lưu… là điểm “thắt cổ chai”, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Anh Trần Anh Xuân, một tài xế lái xe du lịch cho biết: “Ngày nào tôi cũng di chuyển trên QL1 từ miền Tây lên TP HCM nên thuộc đường như lòng bàn tay.

Đoạn qua huyện Cái Bè, nhiều mảng bê tông nhựa bị bong tróc khiến xe chạy rất xóc. Sợ nhất những ngày cuối tuần hay ngày lễ, Tết, thường xuyên gặp cảnh ùn tắc ở các cầu hẹp đoạn Tiền Giang. Mỗi lần như vậy mất cả giờ mới thoát”.

Thừa nhận điều này, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, trên tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh hiện còn 8 cầu hẹp, chỉ có 2 làn xe, trong khi mặt đường mỗi bên 4 làn xe. Những cầu này là điểm thắt, thường xuyên ùn tắc.

“Vừa qua, Bộ GTVT đã đầu tư mở rộng 4 cầu, mỗi bên thêm một làn xe nên đã đồng bộ với đường, rất hiệu quả, giảm ùn tắc rõ rệt. Do vậy chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng cần tiếp tục đầu tư nốt để tháo những nút thắt này”, ông Bon nói.

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh dài 30km, nhưng nhiều điểm vẫn chưa có hệ thống thoát nước dọc. Mỗi lần trời mưa là đọng nước. Nhiều điểm đã được nâng cấp từ hơn 10 năm nên mặt đường đã xuống cấp.

Cấp thiết đầu tư nâng cấp đồng bộ

img

Đoạn thị trấn Bến Lức, mặt đường QL1 bị đùn, lún, hằn vệt bánh xe, bong tróc nhiều điểm

Trước tình trạng xuống cấp của tuyến huyết mạch về miền Tây, tìm hiểu của Báo Giao thông, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 đã có tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư dự án tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA 7, đoạn tuyến này đã hơn 10 năm chưa được đại tu. Vì vậy, việc đầu tư tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ là rất cấp thiết.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 2.199 tỷ đồng. Nếu dự án được phê duyệt, trong năm 2021 và 2022 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị; Giai đoạn 2022 - 2024 sẽ đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến theo kế hoạch.

Theo ông Khánh, hiện nay các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, khi các tuyến cao tốc này hoàn thành cũng không làm giảm vai trò đặc biệt quan trọng của QL1 đối với phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng của các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã nâng cấp mở rộng, tăng cường mặt đường QL1 trên tuyến từ TP HCM đến Cần Thơ. Như tuyến tránh TP Tân An (Long An), tuyến tránh Cai Lậy, nâng cấp mặt đường một số đoạn qua Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được đầu tư tăng cường mặt đường đồng bộ, trong khi đây là tuyến đường có lưu lượng cao và quan trọng bậc nhất từ TP HCM về các tỉnh khu vực ĐBSCL.

“Trên cơ sở đó, Ban QLDA 7 đề xuất triển khai dự án tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Những đoạn đã được nâng cấp từ năm 2015 đến năm 2019 sẽ giữ nguyên.

Chỉ thảm bê tông nhựa tăng cường mặt đường đối với các đoạn tuyến còn lại có chất lượng mặt đường trung bình và xấu, bao gồm cả đường nhánh, đường song hành và đường trong nút giao.

Trong đó, tuyến chính dài khoảng 71,38km; đường nhánh, đường song hành dài khoảng 25,22km và đường trong nút giao dài khoảng 9,85km”, ông Khánh thông tin.

Đối với các cầu hẹp dọc tuyến, sẽ thảm bê tông nhựa mặt đường và xây dựng thêm một đơn nguyên cầu độc lập bên cạnh cầu hiện hữu để mở rộng 6 cầu.

Trong đó, có 3 cầu nằm trong phạm vi dự án tuyến tránh TX Cai Lậy: cầu Nhị Mỹ, cầu Cai Lậy, cầu Phú Nhuận và 3 cầu nằm trong phạm vi tăng cường mặt đường thuộc dự án tuyến tránh TX Cai Lậy: cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho rằng, việc nâng cấp mặt đường QL1 là rất cấp bách. Địa phương sẵn sàng phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT để thực hiện dự án, nhất là công tác GPMB tại các vị trí mở rộng cầu.

“Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Ban QLDA 7 mở rộng 4 cầu trên QL1 rất hiệu quả. Vì vậy cần cấp thiết triển khai dự án này để phát huy hiệu quả hơn nữa tuyến QL1 để phát triển KT-XH, giao thương của các tỉnh vùng ĐBSCL”, ông Bon nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.