Tắc đường ngay cả khi đi bộ khiến người New York trở nên cáu bẳn bất chấp tất cả để di chuyển |
Đi bộ cũng… thiệt mạng
New York (NYC) là một trong những thành phố đi bộ nổi tiếng trên thế giới nhưng hình ảnh đẹp một thời đang biến thành trở ngại, bức xúc đối với mỗi người dân nơi này, đặc biệt tại Manhattan, khu vực trung tâm đông đúc nhất của NYC. Ước tính, năm ngoái, tại Đại lộ 5 khu vực Manhattan, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ ngày cuối tuần, có 26.831 người đi bộ (số người đủ để chật kín đấu trường trong nhà Madison Square Garden, rộng 76 nghìn m2 và hội trường âm nhạc Radio City Music Hall cộng lại). Con số này cao hơn nhiều so với ước tính 20.639 người trong cùng thời điểm năm trước đó.
Số người đi bộ tăng tỷ lệ thuận với dân số tại New York - 8,5 triệu người, cộng với số lượng khách kỷ lục 59,7 triệu lượt dự kiến sẽ đổ về thành phố trong năm nay. Với sự gia tăng này, phố đi bộ, nét văn hóa đặc sắc của người dân NYC cũng như khách du lịch đã trở thành “đấu trường” mà người ta phải vật lộn mỗi ngày trên đường đi làm, đi học, đi thưởng ngoạn…
Cô Ivette Singh, một nhân viên kế toán chia sẻ: “Tôi không ngại việc đi bộ, tôi chỉ sợ... người đi bộ. Nhiều khi họ rất thô lỗ. Vì chật chội, họ sẵn sàng giẫm đạp lên bạn. Có người phì phèo thuốc lá khiến cảnh đông đúc càng thêm ngạt thở”. Anh Michael D’Angelo chia sẻ, năm 2015, anh từng tận mắt chứng kiến đến 5-7 vụ người đi bộ bị người đi xe đạp đâm. Anh kể: “Mọi người mặc sức xô đẩy người khác vì họ không còn cách di chuyển nào khác”. Không chỉ vậy, nhiều người vừa đi bộ vừa vừa sử dụng điện thoại, đọc báo dẫn đến cảnh đâm, giẫm lên nhau, khiến con đường đi bộ trở nên hỗn loạn. Từ đầu 2016 đến nay đã có 55 người đi bộ thiệt mạng.
Anh Jato Jenkins, một nhân viên vệ sinh cho biết, phố đi bộ về mùa hè thực sự là thảm họa hơn bởi thời tiết nóng bức, khó chịu, vỉa hè đông đúc khiến người tham gia giao thông dễ nổi cáu.
Nâng cấp, mở rộng và làm đẹp đường cho người đi bộ
Giới chức các thành phố cũng như giới chức Mỹ cũng quan tâm tới việc cải thiện chất lượng đường đi bộ, vỉa hè. Ông Scott Gastel, người phát ngôn Phòng Giao thông NYC cho biết, cơ quan này đã thực hiện một nghiên cứu hành vi người đi bộ và quan sát số lượng người đi bộ tại 100 địa điểm của thành phố nhằm vạch ra xu hướng về lâu dài trên các hành lang thương mại trong thành phố, để sớm có biện pháp điều chỉnh hoặc đón đầu xu hướng hiệu quả.
Chẳng hạn, dọc con đường số 34 tại Manhattan, nơi có nhiều tuyến tàu điện ngầm quan trọng chạy qua và có sân ga tàu điện ngầm bận rộn thứ ba của NYC, đồng nghĩa có nhiều người đi bộ di chuyển để lên tàu điện ngầm, chính quyền thành phố mở thêm 1.858 m2 không gian đi bộ trong vài năm trở lại đây.
Không chỉ mở rộng đường đi bộ ở các khu vực gần sân ga, bến xe buýt, giới chức còn chú trọng tăng cường không gian đi bộ ở các điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khách đi bộ thưởng ngoạn, khám phá.
Đặc biệt, chính quyền New York còn hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá sao cho thuận tiện và an toàn cho người đi bộ. Hiện nay, ý tưởng xây dựng đường đi bộ thuận tiện và đẹp được gọi là “streetscape”do Thị trưởng New York, Michael R. Bloomberg khởi xướng đã và đang được ứng dụng.
Với Streetscape, người ta không chỉ chú trọng không gian rộng rãi cho người đi bộ mà còn chú ý tới cảnh vật và môi trường để đường đi bộ trở nên thú vị, hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, ngoài độ rộng, cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người đi xe đạp, người ta còn chú ý tới quy mô và tỉ lệ khoảng cách giữa các tòa nhà bên đường; chất lượng gạch lát, thiết kế đèn đường, trang trí trên đường để đường đi bộ cũng trở thành thắng cảnh. Song, do chi phí thực hiện cao nên không phải con đường nào cũng có thể cải tạo thành streetscape.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận