1% khối lượng công việc còn lại gồm những gì?
Đưa vào vận hành phải
đảm bảo an toàn tuyệt đối
cho hành khách
Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp thị sát tình hình vận hành thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và họp với tổng thầu, các đơn vị trực tiếp triển khai dự án. Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA hàng ngày phối hợp với tổng thầu để giải quyết kịp thời các tồn tại, vướng mắc và phối hợp với Metro Hà Nội tiến hành bàn giao, tiếp nhận bàn giao lâm quản từng phần để chuẩn bị vận hành dự án.
Tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đưa vào vận hành thương mại cuối tháng 4/2019. Khi đưa vào vận hành thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trung tuần tháng 3/2019 tại khu vực Depot dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhiều công nhân vẫn đang tập trung thi công hệ thống đường nội bộ, hoàn thiện nốt phần phụ trợ bên ngoài một số tòa nhà điều hành, trồng cỏ.
Tại một số nhà ga, công nhân đang gấp rút thi công nốt phần ốp lát, lắp đặt lan can kính, khung mái che cầu thang. Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, những hạng mục khác cũng chưa xong như: Đấu nối hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, trạm bơm tăng áp, đấu nối thoát nước khu ga đường vành đai 3.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt cho biết, những hạng mục trên nằm trong số 1% khối lượng xây lắp còn lại của dự án phải hoàn thành trước khi dự án kết thúc vận hành thử.
“Những hạng mục này không tác động đến công tác vận hành thử hệ thống chạy tàu nên được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong thời gian 3-6 tháng vận hành thử (từ 20/9/2018). Hiện các phần việc này cũng đang vào giai đoạn nước rút để hoàn thành trong tháng 3/2019”, ông Phương nói.
Cũng theo đơn vị quản lý dự án, 99% tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường dự án và hoàn thành lắp đặt khoảng 90%. Đến nay, các hạng mục thiết bị chưa lắp đặt xong gồm: Hệ thống thẻ vé tự động, hệ thống báo cháy, các hệ thống chiếu sáng động lực, thang máy và điều hòa thông gió khu Depot. Các hạng mục thiết bị liên quan trực tiếp đến vận hành thử dự án nên dẫn đến các chuyên ngành trên chưa đủ điều kiện để đưa vào vận hành chính thức.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay đang tiến hành căn chỉnh liên động 5 chuyên ngành thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực, đường ray. Tuy nhiên, 20 ngày cuối cùng của biểu đồ chạy tàu theo công tác vận hành thử vẫn chưa thể thực hiện được do chưa hoàn thành thử nghiệm chức năng của 5 chuyên ngành trên. Hơn nữa, do các chuyên ngành thiết bị thẻ vé, báo cháy, điều hòa thông gió… chưa nghiệm thu kiểm tra chức năng hệ thống nên chưa thể thực hiện căn chỉnh liên động cho toàn hệ thống thiết bị.
Ngày 15/3 vừa qua, trực tiếp có mặt trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, PV Báo Giao thông ghi nhận, thi thoảng mới có đoàn tàu chạy trên đường ray. Khi đưa vào khai thác chính thức, tàu sẽ chạy nối đuôi nhau 6-10 phút/chuyến.
Anh T.H, học viên đang được đào tạo thực hành chức danh tổ trưởng điều độ chạy tàu cho biết, thời gian này mỗi ngày dự án chỉ đưa 3 đoàn tàu vận hành thử trên chính tuyến. Còn việc điều độ do người của dự án thực hiện. “Dự kiến từ tháng 4/2019 mới tăng số đoàn chạy tàu vận hành thử để tăng đào tạo thực hành điều độ chạy tàu”, anh H. thông tin.
Chạy đua với thời gian
Tại buổi kiểm tra dự án mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổng thầu, các đơn vị liên quan nỗ lực đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại từ cuối tháng 4/2019. Từ nay đến thời hạn trên không còn nhiều, từ tiến độ thực tế trên cho thấy, những người triển khai dự án cần rất khẩn trương để hoàn thành nốt các hạng mục quan trọng liên quan trực tiếp đến vận hành hệ thống.
“Các đoàn tàu đáng ra phải hoàn thành công tác đăng kiểm trong tháng 11/2018, nhưng đến nay vẫn chưa xong do tổng thầu thiếu báo cáo thí nghiệm, chậm trễ cung cấp hồ sơ phương tiện, công tác kiểm tra, kiểm chứng không tuân thủ kế hoạch đề ra với Cục Đăng kiểm VN”, đại diện Ban QLDA nói và cho biết, tổng thầu đã cam kết cung cấp hồ sơ trước 20/3/2019.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng thông tin, đến nay tổng thầu chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án. “Tổng thầu được yêu cầu hoàn thành trước 28/2, nhưng vẫn chưa thực hiện xong mà dự kiến đến hết tháng 3/2019 mới trình được. Việc chậm trễ này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai công tác vận hành thương mại”, ông Thành nói.
Tìm hiểu của PV, theo quy định, hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trước khi được đưa vào vận hành thương mại cần được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chứng nhận an toàn hệ thống. Ban Quản lý dự án cho biết, đến nay tư vấn đánh giá chứng nhận, an toàn hệ thống đã lập 9/13 báo cáo và đang lập kế hoạch kiểm tra, kiểm nghiệm đối chứng tại nhà sản xuất và công trường dự án các báo cáo còn lại để hoàn thành hồ sơ đề nghị Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Dự kiến từ 20/3, các bên liên quan sẽ cùng tiến hành các thí nghiệm kiểm chứng mức độ an toàn đối với hệ thống thiết bị tại hiện trường và dự kiến hoàn thành báo cáo cuối cùng vào giữa tháng 4/2019.
Ngoài những vấn đề trên, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Mettro Hà Nội (đơn vị tiếp nhận dự án) cho biết, đội ngũ nhân sự của đơn vị này đang trong thời gian đào tạo thực hành tại dự án. Tuy nhiên, dự án cũng cần có tiêu chí làm căn cứ để sát hạch, đánh giá nhân lực đạt yêu cầu về trình độ tay nghề để đủ điều kiện phục vụ khai thác thương mại hệ thống.
Về phía tổng thầu, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án cho biết, tổng thầu đang cố gắng để cuối tháng 3/2019 hoàn thành các công việc còn lại và bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ tháng 4/2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận