Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ thông tin tín hiệu tự động vận hành và bảo vệ đoàn tàu, theo tiêu chuẩn châu Âu hiện nay - Ảnh: Khánh Linh |
Tốc độ trung bình 35km/h nhanh hay chậm?
Sau thời gian chạy thử nghiệm (từ 3 - 6 tháng, bắt đầu từ tháng 8 này), tới đây, người dân Thủ đô và cả nước sẽ được trải nghiệm và xác thực khi tuyến đường sắt hiện đại này chính thức đưa vào khai thác.
Ông Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Dự án 6, Ban QLDA đường sắt cho biết, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa đoàn tàu. Đây là công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay. “Đường sắt đô thị trên thế giới hiện đang sử dụng loại động cơ động lực phân tán và tập trung, trong đó động cơ tập trung (kéo - đẩy) là thế hệ lạc hậu chỉ còn ở những nước đang sử dụng tàu thập niên 1970”, ông Tùng cho biết.
Về mức độ tự động hóa, tiêu chuẩn thế giới chia làm 5 mức (mức 5 là tự động hóa hoàn toàn). Trong đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thiết kế với mức 2,5 (tiệm cận mức 3, có chế độ người lái tàu). Theo đó, dựa trên các thông tin tín hiệu thu, phát tự động, trung tâm chỉ huy sẽ tự động ra lệnh cho đoàn vận hành ở tốc độ tối đa và tối thiểu.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. |
“Trên khoang lái tàu sẽ tự động hiển thị các thông tin để lái tàu biết, chẳng hạn khi cần tăng tốc và giảm tốc. Hệ thống cũng tự động khống chế tốc độ của tàu, lái tàu điều khiển tăng hơn hoặc giảm hơn cũng không được”, ông Tùng thông tin và cho biết, công nghệ trên cũng cùng chuẩn với công nghệ dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội do tư vấn Pháp thực hiện. Tiêu chuẩn công nghệ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đảm bảo được việc kết nối công nghệ với các mạng lưới đường sắt đô thị khác của Hà Nội trong tương lai.
Ngoài công nghệ điều khiển, vận hành hệ thống, thiết kế đoàn tàu của 2 dự án trên cũng tương đồng như có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h.
Theo ông Lê Hoàng Tùng, Phó phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm VN, quan trọng nhất của đường sắt đô thị là công nghệ về thông tin tín hiệu, tín hiệu tự động. “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ thông tin, tín hiệu tự động theo tiêu chuẩn châu Âu. Đây là công nghệ tiên tiến trên thế giới, đang được nhiều nước sử dụng”, ông Tùng nhận xét.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội - đơn vị được giao tổ chức vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị này có đầy đủ tiện ích cho hành khách, như: các nhà ga có thang cuốn chiều lên, thang máy cho người khuyết tật. Trên tàu có các khu vực ngồi dành riêng cho người trẻ, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật; các thông tin chỉ dẫn bằng song ngữ Việt - Anh.
“Vé đi tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là vé điện tử, đáp ứng quy định của UBND TP Hà Nội về khung tiêu chuẩn công nghệ thẻ vé điện tử đường sắt đô thị. Hành khách có thể sử dụng thẻ vé đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông để đi toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị khác và ngược lại”, ông Trường nói.
Đề cập vấn đề dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ được khai thác với vận tốc 35km/h, ông Trường cho biết: “Đó là vận tốc trung bình. Bởi trên hành trình có những đoạn tàu chạy nhanh, chậm khác nhau và còn thêm thời gian để tác nghiệp hai đầu tuyến, khi tàu dừng đón, trả khách ở các ga”.
Còn ông Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Dự án 6 thông tin, các tàu đường sắt đô thị hiện nay ở các nước tiên tiến như: Pháp, Đức, Nhật... cũng chỉ khai thác với vận tốc tương tự. “Tàu được thiết kế 80km/h, nhưng khoảng cách giữa các ga chỉ 1-2km, đủ để tàu vừa tăng lên đốc độ cao lại phải giảm xuống để dừng đón, trả khách tại ga”, ông Tùng cho biết.
Cũng liên quan đến tốc độ, theo các chuyên gia, nhiều nước có lịch sử đường sắt phát triển và kỹ thuật xây dựng tiên tiến cũng chỉ khai thác đường sắt đô thị ở mức trên dưới 30 km/h. Chẳng hạn, tàu đường sắt ở New York (Mỹ) trung bình chạy với vận tốc khoảng 27km/h; ở London (Anh) 33km/h, Berlin (Đức) là 30,7km/h, ở Warsaw (Ba Lan) là 36km/h.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ thông tin tín hiệu tự động vận hành và bảo vệ đoàn tàu theo tiêu chuẩn châu Âu hiện nay |
Đánh giá độc lập về an toàn
Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến tổ chức chạy thử các đoàn tàu, vận hành thử nghiệm hệ thống trong tháng 8/2018. Thời gian vận hành thử trong 3-6 tháng, nhằm căn chỉnh các hệ thống kỹ thuật phục vụ chạy tàu, bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, an toàn trước khi chính thức phục vụ hành khách đi lại.
Ông Trần Xuân Sinh, Trưởng phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm VN cho biết, dự án được “bên thứ 3”, một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý dự án và quản lý Nhà nước, đánh giá và cấp chứng nhận về an toàn của hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông. “Bên thứ 3” được tổ chức quốc tế liên quan công nhận về năng lực đánh giá, chứng nhận an toàn cho hệ thống đường sắt đô thị. “Sau khi tổ chức độc lập chứng nhận an toàn, Cục Đăng kiểm VN chủ trì thẩm định sự phù hợp của hồ sơ an toàn hệ thống. Nếu thẩm định phù hợp sẽ cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ”, ông Sinh cho biết.
Còn theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, việc có tổ chức độc lập đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị, trong đó đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên áp dụng, được quy định tại Thông tư 31 của Bộ GTVT (về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị, có hiệu lực từ 1/7/2018). Trong đó, nội dung đánh giá có các hạng mục như: Độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống. Đánh giá thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn. Ngoài đánh giá chứng nhận lần đầu, trong quá trình khai thác, vận hành, các tuyến đường sắt đô thị được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra, chứng nhận định kỳ về hệ thống quản lý an toàn vận hành.
Liên quan vấn đề này, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Liên danh Apave-Certifier-Tricc đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập; Trong đó, Apave dẫn đầu liên danh là tư vấn có uy tín châu Âu về đánh giá an toàn đường sắt đô thị. “Liên danh trên đã tham gia đánh giá dự án từ hơn 1 năm nay và được lựa chọn theo hình thức đấu thầu. Việc cấp chứng nhận an toàn hệ thống ở trong giai đoạn cuối cùng của dự án, sau khi hoàn thành vận hành thử nghiệm”, ông Phương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận