Thế giới giao thông

Đường sắt Đài Loan (Trung Quốc) ứng dụng cảm biến AI ngăn tai nạn

25/10/2024, 14:18

Sau thảm kịch tai nạn tàu hỏa tháng 4/2021 khiến hơn 50 người chết ở Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền địa phương và các nhà khoa học Séc đã hợp tác triển khai công nghệ thông minh cảnh báo sớm các vật cản uy hiếp an toàn đường sắt.

Phát hiện rủi ro từ sớm, từ xa

Ngày 2/4/2021, tàu hỏa chở 350 hành khách từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã đâm trực diện một xe tải gây trật bánh, khiến hơn 50 người thiệt mạng và 200 người bị thương.

Thảm kịch tai nạn đường sắt buộc giới chức Đài Loan thúc đẩy triển khai các công nghệ đảm bảo an toàn đường sắt, trong đó có công nghệ cảm biến đường ray ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI do các chuyên gia đến từ khoa Kỹ thuật Cơ khí, Đại học Công nghệ Brno phát triển.

Đường sắt Đài Loan (Trung Quốc) ứng dụng cảm biến AI ngăn tai nạn- Ảnh 1.

Vụ tai nạn tàu hỏa năm 2021 khiến hơn 50 người chết đã buộc giới chức Đài Loan thúc đẩy các công nghệ đảm bảo an toàn đường sắt, trong đó có giải pháp cảm biến thông minh từ Séc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo đó, nhóm chuyên gia sẽ gắn các cảm biến thông minh vào đường ray. Mỗi cảm biến có giá khoảng 10.000 Crown Séc (khoảng 10 triệu đồng).

Với phạm vi hoạt động khoảng 20-25m, cảm biến này sẽ gửi tất cả tín hiệu thu được về những gì đang xảy ra đối với đường ray đến bộ lưu trữ đám mây thông qua các thiết bị điện tử kết nối với Internet vạn vật (IoT).

Các dữ liệu này sẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý, đánh giá thông số, tình trạng an toàn trên đường ray và trong khu vực đường ray, sau đó gửi cảnh báo sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời từ sớm từ xa nếu phát hiện có rủi ro, ví dụ cảnh báo lái tàu dừng khẩn cấp.

Takto_vypad___sign__l_pr__jezdu_vlaku_v_po____ta__i_foto__Jan_Prokopius_VUT_640.jpg

Tốc độ truyền dữ liệu từ cảm biến đường sắt về bộ lưu trữ đám mây chỉ trong chưa đầy 1 giây. (Ảnh: VUT)

Các chuyên gia Séc khẳng định, cảm biến có độ nhạy cao, ghi nhận mọi tác động, nguy hiểm tiềm ẩn đối với đường sắt cho dù đó chỉ là hòn đá đập vào thanh ray hay một xe tải đang tiến đến khu vực đường sắt. Dữ liệu cũng truyền đến bộ lưu trữ đám mây nhanh chóng chỉ trong chưa đầy 1 giây.

Ngoài ra, với địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi như hòn đảo Đài Loan, động đất và sạt lở đất thường xuyên xảy ra. Lúc này hệ thống cảm biến thông minh sẽ phát huy tác dụng cảnh báo sớm nhất có thể cho các đoàn tàu khi có đất đá rơi vãi, hoặc lớp đất nền đường ray có biến động.

Tự động hóa bảo trì đường sắt

Với độ nhạy cao, cảm biến còn có chức năng giám sát nguy cơ hỏng hóc, hao mòn trên các đoạn ray tàu hỏa và đồng thời giám sát tình trạng của những đoàn tàu chạy qua cảm biến, từ đó phát cảnh báo để có phương án bảo trì từ sớm, từ xa.

VUT_FSI_Chytre-senzory-na-zeleznici-Zdenek-Hadas_2021-04-28_Prokopius_017_1600_1600.jpg

Cảm biến thông minh không chỉ giúp phát hiện biến động quanh đường sắt, mà còn giám sát tình trạng của các đoạn ray và các phương tiện đường sắt chạy qua. (Ảnh: VUT)

Qua đó, công nghệ cảm biến thông minh đã tạo ra giải pháp tự động hóa công tác bảo trì và dự đoán trước những rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động đường sắt. Đây chính là giải pháp hỗ trợ cho công tác kiểm tra đường sắt truyền thống, vốn dùng mắt thường để phát hiện và xác định nguy cơ.

Bảo trì dự đoán là phương pháp sử dụng các công cụ, kỹ thuật phân tích dữ liệu, qua đó phát hiện bất thường trong quá trình hoạt động của thiết bị hoặc các khiếm khuyết có thể có trong thiết bị và quy trình, giúp con người đưa ra phương án sửa chữa trước khi những bất thường này gây ra hỏng hóc.

"Chúng tôi gọi đây là hoạt động bảo trì dự đoán, theo đó sẽ tiến hành sửa chữa, chỉnh sửa cần thiết trước khi xảy ra hư hỏng hoặc sự cố có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Với sự trợ giúp của các cảm biến đặc biệt, chúng tôi có thể biến một đường ray thông thường thành đường ray thông minh", nhóm chuyên gia cho hay.

Các chuyên gia cũng thông báo những tín hiệu tích cực sau khi thử nghiệm công nghệ trên. Theo đó, hệ thống cảm biến hoạt động mà không gặp trục trặc đáng kể, hoạt động ổn định trong suốt cả mùa đông và mùa hè.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.