Ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông tại cầu Long Biên vào giờ tan tầm chiều nay (22/6), lượng xe máy lên cầu Long Biên hướng Hà Nội - Long Biên tuy đông nhưng không ào ào như trước. Đó là do ngay đầu cầu, đơn vị quản lý cầu - Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã tiến hành lắp dải phân luồng nhựa để lưu lượng xe máy qua cầu mỗi thời điểm được giảm hơn, tránh ùn tắc cục bộ trên cầu. |
Đơn vị này cũng cho lắp cọc sắt ngay lối vào cầu chính để ngăn ô-tô và xe ba gác tải nặng đi lên cầu. |
Cùng đó để biển cảnh báo cầu Long Biên đang sửa chữa, cấm ô tô, xe ba gác lên cầu. Đồng thời bố trí nhân viên chốt trực hai đầu cầu, nhắc nhở, ngăn ngừa các phương tiện cấm lên cầu. |
Thông tin với Báo Giao thông, lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, đây chỉ là thêm biện pháp trước mắt để ngăn phương tiện cấm, phương tiện quá tải lên cầu. Vì thực tế, hai đầu cầu Long Biên đều đã cắm biển cấm ô tô, biển cấm xe máy thồ, xe đạp thồ qua cầu từ 5h00 - 20h00 và biển cảnh báo cầu yếu, hạn chế phương tiện qua lại. Tuy nhiên vẫn xảy ra thực trạng ô tô, xe đạp thồ, xe máy thồ, ba gác lên cầu, gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Trước đó, từ 6/6, sau khi xảy ra sự cố sập tấm đan do các phương tiện cấm đi qua cầu, đơn vị này đã tiến hành lắp camera giám sát thực trạng cầu và các phương tiện qua cầu. |
Qua camera giám sát trên cầu từ ngày 7/6 đến hết ngày 11/6, đã có 2.216 xe máy thồ, 138 xe ba gác lên cầu. Trong hai ngày 11 và 15/6, có ô tô con dịch vụ vận tải cố tình lên cầu. Đối với những vụ vi phạm này, Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã gửi thông tin, hình ảnh trích xuất camera đến Phòng 9 Cục Cảnh sát giao thông để xử lý theo quy định và đề xuất phạt nguội. Ảnh: Cọc sắt và dải phân luồng hướng Long Biên đi Hà Nội |
Cùng với dải phân luồng bằng nhựa còn có dải phân luồng “mềm” bằng cọc tiêu, dây để dễ điều chỉnh khi lưu lượng xe đông |
“Tuy nhiên, xe tải trọng nặng vẫn lên cầu, nhất là xe ba gác. Có đoàn xe ba gác chở vật liệu lên đến cả tấn tải trọng, khi nhân viên đường sắt nhắc nhở, đề nghị quay đầu, không được qua cầu thì bị người điều khiển xe chửi bới, dọa đánh. Vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng có các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, chúng tôi phải gia tăng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ cầu bằng cách lắp dải phân luồng, cọc sắt”, lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Hà Hải nói và cho biết, từ khi lắp đặt, lưu lượng xe máy lên cầu được phân luồng tốt, giảm tải hơn, không còn xe ba gác, ô tô lên cầu. |
Trước đó, trong tháng 5/2022 đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp đến ATGT. Ảnh: Vị trí thay tấm đan mới |
Nguyên nhân do cầu yếu, xuống cấp sau hơn 120 năm sử dụng. Mặt khác, lượng phương tiện quá tải trọng lên cầu nhiều là một trong những nguyên nhân gây sự cố, đe dọa an toàn mất an toàn cho người tham gia giao thông trên cầu. |
Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay giải pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua cầu. Ảnh: Đơn vị quản lý cầu cho gia cố hệ đỡ các tấm đan mặt đường bộ |
Cùng đó, cho hàn các thanh sắt chắn, ngăn xe máy đi trên lối đi dành cho người đi bộ |
Về lâu dài, cùng với tăng vốn bảo trì cho công tác duy tu cầu, Bộ GTVT đang giao Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện đề án kiểm định toàn bộ cầu, trên cơ sở kết quả kiểm định sẽ lập dự án đầu tư sửa chữa lớn để trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận